Thứ Hai, 18/11/2024 17:36 CH
Lực lượng công nhân và người lao động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Thứ Năm, 23/04/2015 11:14 SA

Đồng bào ven đô Sài Gòn phối hợp nổi dậy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã chứng minh muốn khởi nghĩa thắng lợi phải có lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho toàn dân nổi dậy, nhưng chủ yếu phải dựa vào quần chúng đông đảo, trước hết là quần chúng công nhân và lao động. 

 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, sự đóng góp của lực lượng công nhân và lao động thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là lực lượng nổi dậy phối hợp với các giới giành chính quyền, vừa là lực lượng chủ yếu bảo vệ nhà máy xí nghiệp, cơ sở vật chất tiếp quản của địch. 

 

Ở nội thành Sài Gòn, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, lực lượng đoàn thể, quần chúng sôi nổi vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

 

Ngay từ đầu tháng 4/1975, Đảng ủy và Ban Công vận nội thành Sài Gòn đã tích cực chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa của công nhân lao động trên các địa bàn và vạch rõ phương hướng hoạt động cho công nhân lao động thành phố đồng loạt nổi dậy chiếm lĩnh các xí nghiệp và bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ cho kỳ được nhà máy, không để cho địch phá hoại. Trong trường hợp địch thiết quân luật thì ngoài nhiệm vụ tham gia khởi nghĩa ở đường phố, cần bố trí sẵn một lực lượng công nhân thường trực ở xí nghiệp để vừa có thể chiến đấu vừa bảo vệ được cơ sở vật chất, chống địch ngoan cố phá hoại. 

 

Do có phương hướng lãnh đạo đúng và kịp thời, việc bảo vệ nhà máy, xí nghiệp đã nhanh chóng trở thành một phong trào rộng lớn trong công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, công nhân đã có kế hoạch khởi nghĩa trước khi quân chủ lực tiến vào thành phố. Các âm mưu phá hoại, tẩu tán tài sản của địch trước khi rút chạy đều được ngăn chặn. Ta giữ được nguyên vẹn nhiều tài sản, hàng hóa, kho tàng, phương tiện có giá trị… 

 

Tại Ngã Bảy Lý Thái Tổ, quận 10, khí thế nổi dậy của công nhân và quần chúng lao động vô cùng sôi nổi từ những ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 6 giờ 30 sáng 30/4, anh Bùi Thành Chung cùng một tốp công nhân treo một lá cờ lớn tại bùng binh Ngã Bảy trước đông đảo quần chúng vùng Ngã Bảy, Vườn Lài, Ngã Sáu… Một tổ võ trang phối hợp với anh em công nhân cư xá Hỏa xa bao vây bức hàng lực lượng cảnh sát, dân vệ ở đây. Quần chúng đổ vào chiếm các trụ sở và đồn bót địch và hân hoan đón bộ đội, cán bộ cách mạng vào thành phố. Một rừng cờ giải phóng bay rợp phố phường. Công nhân hỏa xa chiếm bót cảnh sát quận 10, thu gần một ngàn khẩu súng… 15 giờ 30 phút, đội tự vệ võ trang gần 32 công nhân và lao động được trang bị vũ khí ra mắt chính quyền cách mạng cơ sở. Đông đảo công nhân và tự vệ tước vũ khí của địch, làm chủ hoàn toàn cơ xưởng tại Chí Hòa… hàng ngàn công nhân các nơi đổ về chiếm trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động, mít tinh tại chỗ tuyên truyền chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Hỏa xa, ngày 2/5, công nhân có mặt đầy đủ bắt tay vào phục hồi sản xuất, bàn kế hoạch khôi phục đường sắt và cầu Bình Lợi. 

 

Những xóm công nhân và lao động hành nghề xe buýt, xe lam, xích lô máy, bốc vác, buôn gánh bán bưng… ở Bàn Cờ, cư xá Đô Thành, chợ Vườn Chuối… trọng điểm khu vực khởi nghĩa, có chi bộ lãnh đạo công nhân tích cực vận động, đã đưa lực lượng quần chúng khởi nghĩa đến phối hợp với khu vực Ngã Bảy giành chính quyền ở cư xá Đô Thành. Anh Nguyễn Văn Hai giương cờ giải phóng lớn đi thẳng vào tụ điểm quần chúng, kéo theo hàng ngàn người nổi dậy phất cờ, giương khẩu hiệu, hò reo khắp xóm, khu phố. Bọn địch hốt hoảng trút bỏ quân phục, súng đạn đầy đường, chạy trốn. Các đảng viên hướng dẫn quần chúng đổ ra đường càng lúc càng đông trấn áp, chiếm lĩnh bót trong các khóm phố. Ủy ban nhân dân cách mạng cư xá Đô Thành ra mắt đồng bào… 

 

Tại quận 5, Ban Công vận và Hoa vận lập nhiều ban khởi nghĩa, trong các ngày 27, 28/4 đã dùng xe cứu thương chuyển đến các điểm khởi nghĩa, bí mật vận động quần chúng may cờ, kẻ biểu ngữ. Sáng 30/4, đã cùng với công nhân xuống đường chiếm đồn bót, công sở địch. Quần chúng công nhân lao động ở Chợ Quán, An Đông, Khổng Tử… chặn nhiều xe địch, bắt địch đầu hàng, thu nhiều vũ khí, xe cộ… 

 

Tại Khánh Hội (quận 4), trong những ngày cuối tháng 4, công nhân cảng Sài Gòn không bốc dỡ đồ đạc, hàng hóa cho bọn địch trốn chạy ra nước ngoài, tổ chức nhiều đội tự vệ gìn giữ kho tàng, máy móc… trên thực tế đã làm chủ cảng Sài Gòn từ 29/4, đồng thời phối hợp với bộ đội chiếm tòa hành chính quận 4 và các kho, bãi trong khu vực từ sáng 30/4. 

 

Nhà máy điện Chợ Quán là nơi công nhân có truyền thống đấu tranh, số công nhân tích cực đã bàn bạc kế hoạch nổi dậy, chiếm giữ và bảo vệ dòng điện thành phố, giáo dục các đội lính bảo an giải tán về nhà để anh em công nhân quản lý. Từ 9 giờ ngày 30/4, công nhân đã treo cờ giải phóng và biểu ngữ trước cổng nhà máy, đồng thời phối hợp với công nhân trong khu cư xá nổi dậy chiếm lĩnh khu phố, khu vực cầu chữ Y và bảo vệ chặt chẽ khu vực Nhà đèn… Các công nhân lâu năm, lành nghề đã tích cực phối hợp với ban quân quản, tiếp quản nhà máy và duy trì dòng điện liên tục cho sinh hoạt và sản xuất sau khi giải phóng thành phố. 

 

Tại Nhà máy điện Thủ Đức, khi địch ra lệnh giới nghiệm, chỉ còn 50 công nhân vận hành máy. Từ 29/4, số công nhân là cơ sở cách mạng đã cùng quần chúng thành lập ủy ban bảo vệ nhà máy, phân công canh gác và liên hệ với công nhân tìm cách đến xí nghiệp để tham gia khởi nghĩa, kiên quyết bảo vệ nguồn điện cho cả thành phố. Từ 6 giờ sáng 30/4, trước cổng nhà máy đã giương cao khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng quân giải phóng”, “Công nhân kiên quyết bảo vệ nhà máy an toàn”. Từ đó, lực lượng công nhân đã chiếm lĩnh và làm chủ nhà máy trong khí thế mới, có lãnh đạo phân công canh giữ, vận hành máy, giữ cho dòng điện được liên tục không bị gián đoạn, góp sức cho cách mạng vãn hồi trật tự thành phố. 

 

Tại Nhà máy dệt Liên Phương, giữa tháng 4/1975, một số thanh niên công nhân được cơ sở bí mật chọn ra căn cứ bưng Sáu Xã học tập, chuẩn bị khởi nghĩa, trở về hoạt động rất tích cực. Từ ngày 20/4, các tổ tự vệ bí mật được xây dựng với 20 công nhân có nhiệm vụ theo dõi, nhằm đối phó âm mưu tẩu tán tài sản hoặc phá hoại nhà máy của địch. Ban lãnh đạo đã tổ chức liên hệ được với cụm nhà máy dệt xung quanh như Visafasa, Vinatan, Tô Châu bàn kế hoạch hỗ trợ nhau khởi nghĩa. Ngày 24/4, chủ nhà máy đột ngột đóng cửa nhà máy, vội vã bỏ trốn. Lực lượng tự vệ túc trực bên ngoài đã vận động công nhân làm việc bình thường và bảo vệ chặt chẽ quanh nhà máy. Ngày 29/4, cơ sở cách mạng nắm gần hết lực lượng công nhân cụm nhà máy dệt Liên Phương - Thủ Đức nổi dậy làm chủ các nhà máy và đổ về chiếm Tổng Liên đoàn Lao động tay sai Trần Quốc Bửu ở đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng 8). 

 

Khắp nơi nội ngoại thành, các nhà máy Ba Son, Lục quân công xưởng, Nhà máy điện Bà Quẹo, các hàng dệt Vimytex, Vinatexco, Bột ngọt Thiên Hương, Nhà máy thuốc lá Mis, rượu Bình Tây, Pin Con Ó… đã nổi dậy làm chủ, chủ động bảo vệ hoặc liên hệ với lực lượng quân quản để phục hồi sản xuất. 

 

Sáng 1/5, hàng vạn công nhân lao động TP Sài Gòn - Gia Định dự mít tinh ở trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động trong bầu không khí hân hoan, phấn khởi tột độ mừng thành phố hoàn toàn giải phóng và ngày quốc tế lao động đầu tiên nước nhà độc lập. Công nhân lao động thành phố rất tự hào góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của dân tộc, bảo vệ toàn vẹn nhà máy, xí nghiệp, tài sản của nhân dân và năng nổ đứng ra điều hành quản lý cho nhà máy hoạt động liên tục, nhất là cung cấp điện, nước cho thành phố không một giờ phút gián đoạn. 

 

Sự đóng góp của công nhân lao động thành phố vào thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy càng nói lên truyền thống kiên cường của giai cấp công nhân Nam Bộ nói chung và đội ngũ công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định nói riêng, đúng như khẳng định của thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, trong buổi lễ ra mắt Ủy ban Quân quản ngày 7/5/1975: “Đặc biệt là cả nước nhiệt liệt biểu dương tinh thần vùng lên làm chủ của toàn thể giai cấp công nhân bao gồm cả lao động chân tay và trí óc, đã dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ xí nghiệp, kho tàng, công sở, trường học, trao cho chính quyền cách mạng và tự mình quản lý mọi công việc cho guồng máy sinh hoạt của cả thành phố lớn này, chạy liên tục, bình thường, không hề gián đoạn”. 

 

Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh trong tập sách “Đại thắng mùa xuân” đã đánh giá rất cao sức mạnh và tác dụng cuộc nổi dậy của công nhân lao động và nhân dân thành phố: “Quần chúng đã vào trận quyết chiến đúng lúc, không quá sớm mà cũng không muộn quá. Hành động yêu nước của nhân dân tạo ra khí thế cách mạng trên các đường phố, có sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của phong trào quần chúng Sài Gòn - Gia Định, và đây cũng là kết quả công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ thành phố.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek