Thứ Hai, 18/11/2024 17:26 CH
Đội quân tóc dài trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 22/04/2015 08:07 SA

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh quân giải phóng, trong ngày toàn thắng

Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất, nhất là trong những năm chống Mỹ Thiệu. Các tổ chức công khai như phong trào đòi quyền sống, đòi thi hành Hiệp định Paris, đòi thả tù chính trị hoạt động sôi nổi. Khát vọng của các tầng lớp đồng bào lên cao chưa từng thấy. Tháng 1/1975, 10 đoàn thể thuộc nhiều xu hướng chính trị ra nghị quyết đòi Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đòi Thiệu từ chức. 

 

Đặc biệt phong trào của phụ nữ trong “ba mũi giáp công” (chính trị, quân sự, binh vận) đạt hiệu quả rất cao trong chống địch bắt lính, diệt ác phá kềm, vận động làm tan rã binh lính, mở rộng căn cứ ngay trong lòng địch. Ở nội thành, tại nhiều xóm lao động, các chị đã xây dựng được những hạt nhân trong Hội phụ nữ giải phóng, đoàn viên thanh niên lao động, tổ chức các đội tự vệ mật. 

 

Đầu năm 1975, các ngành, các cánh của phụ nữ đã xây dựng được 40 căn cứ chính trị ở nội thành và vùng ven. Những căn cứ gồm từ năm, bảy đến hai, ba trăm gia đình, thật sự là nơi quần chúng giành quyền làm chủ, là nơi bảo vệ cán bộ ta tồn tại và hoạt động tại chỗ, bám quần chúng, bám phong trào. Đó là các căn cứ lớn Hàng Xanh, Thị Nghè, Bảy Hiền, Lò Siêu, Bình Tiên, Bàn Cờ, Hạnh Thông… Rất nhiều chị trụ bám ở nội thành nay được lãnh đạo chỉ định vào các ban khởi nghĩa ở địa phương.

 

Từ giữa tháng 4/1975, thực hiện chủ trương của thành ủy, đưa lực lượng áp sát vùng sâu và vào trong lòng địch, nhiều chị đã vào ém trong một số địa bàn móc ráp, chỉ đạo cơ sở, tuyên truyền tổ chức quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa như chị Đỗ Duy Liên (sau này là Phó chủ tịch UBND thành phố), Tư Liêm, Chín Ngân…

 

Trong phong trào đấu tranh chính trị của thành phố, lực lượng đông đảo nhất, kiên trì nhất là phụ nữ, đã phối hợp với lực lượng vũ trang, đặc công, biệt động, liên tục tiến công địch, tạo khí thế cho quần chúng nhân dân đi vào tổng công kích - tổng khởi nghĩa.

 

Trong số gần 2.000 cán bộ tăng cường cho nội đô và vùng ven, có nhiều nữ cán bộ, đảng viên từ các căn cứ núi rừng, từ các nhà tù, trao trả sau Hiệp định Paris, các tỉnh điều về và rất nhiều chị đã bám từ trước ở nội thành như Tám Chánh, Chín Trang, Mười Vân… về sau trở thành những cán bộ cốt cán trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, hoặc trở thành những cán bộ ban ngành của hội… là cán bộ chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức quần chúng khởi nghĩa. Các huyện Củ Chi, Thủ Đức đều có phụ nữ tham gia các Ban khởi nghĩa ở cấp xã. Khắp nơi, các mẹ, các chị là lực lượng chủ yếu dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, chuẩn bị trạm cứu thương, may cờ, vận chuyển hàng triệu truyền đơn và 10 điểm chính sách của mặt trận. “Cơ quan chỉ huy” của lực lượng khởi nghĩa trong nhiều xóm lao động trung tâm thành phố như Bàn Cờ, Tân Định, Phú Nhuận, Thạnh Mỹ Tây, An Đông, Lò Siêu, Minh Phụng… được các mẹ, các chị em che chở, canh gác, thông báo tin… Hàng ngàn máy may được huy động may cờ cách mạng.

 

Khi các binh đoàn chủ lực của ta từ nhiều mũi tiến về Sài Gòn, phụ nữ các huyện ngoại thành đã hăng hái phối hợp chiến đấu. Ở Củ Chi, khi Quân đoàn 3 nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù, những người mẹ, người chị của “đất thép thành đồng” đã đi đầu trong nổi dậy chiếm lĩnh các cơ sở địch ở xã, ấp. Má Nguyễn Thị Rành, người có 8 con và 2 cháu nội là liệt sĩ đã treo lá cờ đỏ sao vàng trên cây điệp đầu ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, mở đầu cho cuộc nổi dậy của quần chúng xã nhà.

 

Trưa 29/4, má Nguyễn Thị Lánh và chị Nguyễn Thị Nương cắm cờ trên chi cảnh sát Tân An Hội… 65 tổ phụ nữ Củ Chi làm công tác binh vận, đã bám địch ngày đêm, tác động từng giờ góp phần làm rã ngũ hàng ngàn lính chủ lực, bảo an, dân vệ trong quận.

 

Ngày 30/4, chị Võ Thị Bê cùng cơ sở chiếm trại Nguyễn Như Luông - trung tâm huấn luyện Quang Trung, bảo quản được kho xăng và kho lương thực tại đây. Chị Đỗ Thị Bê cùng tổ hội phụ nữ Hóc Môn vận động 294 lính ngụy đầu hàng. Chị Nguyễn Thị Đại cùng chị em kêu gọi cả đơn vị ngụy đầu hàng, thu trên 100 súng, chiếm lĩnh trụ sở xã Xuân Thới Sơn trước khi bộ đội vào giải phóng.

 

Các chị Cao Thị Quý, Phạm Thị Duyên và nhiều chị em xông vào dinh quận Thủ Đức trong lúc chúng còn cầm súng “tử thủ”, kêu gọi binh lính hạ vũ khí và treo cờ cách mạng lên dinh quận, sau đó cùng cơ sở cắm cờ trên cổng Liên trường sĩ quan Thủ Đức và Chợ Nhỏ…

 

Chị em phụ nữ Bình Chánh dùng ghe xuồng đưa Tiểu đoàn 301 của ta qua sông và dùng ghe đuôi tôm chở du kích chiếm đồn Thái Văn Minh. Chị Tư Thương là người hạ cờ ba sọc và kéo cờ Mặt trận giải phóng lên nóc đồn. Bốn chị đã chặn đường thuyết phục 2 tiểu đoàn địch chạy từ Hậu Nghĩa về Tân Đạo, nộp vũ khí, đầu hàng…

 

Tại Gò Vấp, chị Hai Bằng phụ trách các má, các chị từ ấp 1 đến ấp 8 khu vực Chờ Cầu - Xóm Mới, kéo tới binh vận một đơn vị xe tăng địch đầu hàng trưa 30/4.

 

Niềm vui của các bà mẹ trong ngày vui thống nhất đất nước 30/4/1975

 

Tại khu vực Bảy Hiền, các chị Thân Thị Thơ, Hồ Thị Toàn, Nguyễn Thị Hoài 10 năm bám trụ xây dựng căn cứ, đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy treo cờ đón quân giải phóng tiến vào từ hướng tây bắc thành phố.

 

Chị Phan Thanh Kiều xông lên cắm cờ cho quần chúng chiếm trụ sở hội đồng xã Thạnh Mỹ Tây, chị Nguyễn Thị Phương tay bồng con vận động nhiều lính ngụy ra trình diện cách mạng, chị Nguyễn Thị Văn chỉ huy đội tự vệ tiến chiếm dinh quận 2, nha cảnh sát đô thành trước khi bộ đội vào tiếp quản. Các chị Nguyễn Thị Tốt, Hồ Thị Mười và má Lê Thị Mỹ lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa treo cờ ở chợ Bến Thành, cư xá Đô Thành, tòa hành chính và ty cảnh sát quận 3.

 

Chị Nguyễn Thị Bình và con gái Thiếu Thị Tạo chiếm lĩnh chợ An Đông, tước súng bọn phòng vệ dân sự bót Nguyễn Ngọc Thạch… Dưới sự lãnh đạo của Ban khởi nghĩa quận 5, các chị Sáu Lê, Năm Hiệu, Bảy Nghĩa đã hướng dẫn đồng bào chiếm lĩnh các phường An Đông, Chợ Quán, Trang Tử… Trong các mũi bao vây tiến công địch ở quận 6, các chị Tám Chánh, Chín Trang, Mười Vân tham gia đánh chiếm bót Bình Tiên, Phú Lâm, Phú Định, Bình Tây, tòa hành chánh quận 6. Lực lượng khởi nghĩa, trong đó có rất đông chị em người Hoa, đã chiếm đồn Cây Mai, bảo vệ nhà máy rượu Bình Tây và kho lương thực ở bến Lê Quang Liêm.

 

Các chị Trần Thị Thương, Nguyễn Thị Nghĩa, Trương Thị Thanh Thảo, Tô Thị Kia đã phát động quần chúng binh vận nhiều lính ngụy, cướp chính quyền ở nhiều ấp và cắm cờ trên trụ sở hội đồng xã Phú Nhuận.

 

32 điểm nổi dậy của quần chúng do cán bộ phụ nữ chỉ đạo chỉ là một phần trong hàng trăm chiến công của phụ nữ thành phố, góp phần vào chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn. Trong lực lượng biệt động, tự vệ võ trang, an ninh, công nhân còn biết bao những hành động dũng cảm: dẫn xe tăng chiếm lĩnh mục tiêu, bí mật cắm cờ, bảo quản nhà máy, tài sản cách mạng, giữ gìn cơ sở văn hóa… của đội quân tóc dài đầy khí thế cách mạng, quyết tâm giải phóng và làm chủ thành phố, làm chủ quê hương của mình.

 

Trong ba mũi giáp công, “đội quân tóc dài” của thành phố đã góp phần xuất sắc vào mũi chính trị và binh vận, làm nên cơn bão táp mùa xuân 1975, quét sạch quân thù. Vai trò của phụ nữ thành phố còn đóng góp rất quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục những hậu quả, di hại do chế độ cũ để lại sau 30 năm chiến tranh.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek