Khi đã xác định 5 mục tiêu tiến công là “trọng huyệt” của địch có thể làm nhanh chóng sụp đổ chế độ ngụy Sài Gòn, thì điều còn lại là cách đánh như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất: địch thua nhanh mà ta ít tổn thất thương vong và Sài Gòn không đổ.
XÁC ĐỊNH 5 MỤC TIÊU TIẾN CÔNG
Sau khi Long Khánh thất thủ, ngày 22/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trốn ra nước ngoài, giao chính quyền lại cho Trần Văn Hương. Sau đó vài ngày, Trần Văn Hương giao lại cho Dương Văn Minh. Sân khấu chính trị Sài Gòn cực kỳ rối ren trong lúc quân ta đã vây chặt Sài Gòn từ các hướng.
Mặc dù vậy, địch vẫn “tử thủ” Sài Gòn với chút hy vọng mong manh giữ lại chế độ ngụy quyền để thương lượng với ta.
Như vậy lúc này vấn đề đặt ra với Bộ Chỉ huy Chiến dịch là muốn chiếm được 5 mục tiêu đầu não thì phải đánh như thế nào khi địch có 5 sư đoàn bố trí vòng ngoài đang đối diện trực tiếp với các binh đoàn chủ lực của ta và có sẵn kế hoạch lùi dần trên các tuyến phòng thủ để co cụm về bảo vệ Sài Gòn.
Lúc mở đầu Chiến dịch mùa xuân 1975, đánh Buôn Ma Thuột, ta nghi binh thu hút lực lượng lớn của địch về phía Kon Tum, Pleiku, tạo sơ hở ở Buôn Ma Thuột để đánh thẳng vào đầu não của chúng ở sâu trong thị xã. Còn bây giờ đánh vào Sài Gòn, quân chủ lực mạnh của địch đứng ở vòng ngoài để ngăn chặn ta từ xa (cách trung tâm thành phố từ 30 đến 50km). Địch ở bên trong, bên ngoài đều đã có sự chuẩn bị đối phó. Nếu ta bỏ qua chủ lực địch ở vòng ngoài mà bất ngờ đột thẳng ngay vào bên trong bằng hợp đồng binh chủng lớn thì khó trót lọt, hoặc có vào được thì 5 sư đoàn địch rút về ứng cứu, thế trận sẽ giằng co. Nhưng nếu ta tập trung lực lượng diệt các sư đoàn địch ở vòng ngoài rồi đánh vào 5 mục tiêu trong thành phố thì sẽ kéo dài thời gian. Lúc đó chắc chắn sẽ tốn xương máu, tiêu hao vũ khí, phương tiện nhiều hơn và dĩ nhiên khó tránh khỏi thiệt hại tính mạng của đồng bào và gây đổ nát. Còn nếu để các sư đoàn địch lùi về được nội thành, phá các cầu lớn dẫn vào thành phố, chiếm giữ các nhà cao tầng thì tình hình sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Vì thế muốn tạo được bất ngờ về cách đánh thì phải hết sức táo bạo. Nhưng táo bạo phải trên cơ sở tư tưởng tiến công và khoa học thì mới đem lại bất ngờ và chiến thắng.
Qua phân tích kỹ lưỡng tình hình kết hợp với kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch lớn trong chống Pháp và chống Mỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch thấy cần phải có cách đánh hiệu lực nhất để phát huy được hết sức mạnh của tất cả các lực lượng. Và điều tất yếu, đòn quyết định để kết thúc chiến tranh phải là đòn quân sự (có sự kết hợp nổi dậy của quần chúng nhân dân).
Trước tình hình của địch như trên và dựa vào ưu thế binh hỏa lực của ta; căn cứ vào yêu cầu của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng và sự chuyển hóa mới về chất của tình hình khách quan, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất trí về cách đánh của chiến dịch lịch sử này là: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích chủ yếu bằng xe tăng và cơ giới, tiến nhanh trên các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã quy định.
Để phối hợp với các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực; các lực lượng đặc công, biệt động, công an vũ trang, các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích, các lực lượng chính trị, đoàn thể ở Sài Gòn - Gia Đinh có nhiệm vụ chiếm giữ các cầu, đánh chiếm các bàn đạp, giữ cửa mở, hướng dẫn các cánh quân chủ lực tiến vào nội đô và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay cách mạng.
Toàn bộ hỏa lực pháo binh sẽ tập trung đánh vào các mục tiêu quân sự quan trọng, không quân chuẩn bị sẵn sàng để xuất kích đánh bom làm tê liệt phi trường Tân Sơn Nhất, không cho địch thoát bằng đường không ra nước ngoài. Tên lửa, pháo cao xạ triển khai thành một lưới lửa phòng không quanh Sài Gòn khống chế bầu trời, bảo vệ đội hình chiến dịch.
Trong chiến dịch lớn này, rõ ràng ta đã đưa ra cách đánh thích hợp: không để địch ngăn chặn làm chậm tốc độ tiến quân của ta ở vòng ngoài và cũng không cho địch lùi dần về Sài Gòn co cụm để cùng lực lượng tại chỗ chống cự lại ta. Ta tập trung sức mạnh đột phá đánh vào các mục tiêu đầu não trọng yếu, kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài, không cho chúng ứng cứu nhau. Và điều quan trọng nhất của cách đánh này là nhằm đạt mục đích cao nhất, nhanh nhất, chắc thắng nhất cho chiến dịch mang tên Chủ tich Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc thắng lợi rực rỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Người: đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bản đồ các mũi tấn công của chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.LIỆU |
KẾ HOẠCH TIẾP QUẢN SÀI GÒN - GIA ĐỊNH
Trong tình hình quân ta tiến công thần tốc và chắc thắng, vấn đề tiếp quản Sài Gòn - Gia Định được đặt ra một cách toàn diện, đòi hỏi có nhiều lực lượng tham gia và triển khai gấp, do tốc độ tiến quân thần tốc của ta và sự rệu rã nhanh chóng của địch.
Sài Gòn - Gia Định là đô thị lớn nhất nước, trung tâm về nhiều mặt của chính thể “Việt Nam Cộng hòa” - ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ, được xây dựng mấy chục năm, khá hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở phục vụ chiến tranh và quốc kế dân sinh, trong đó có nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn. Khối lượng vật chất, tiện nghi ước tính gấp 40 lần so với Hà Nội được giải phóng hồi tháng 10/1954. Do đó công tác tiếp quản rất lớn và phức tạp.
Trong khi triển khai tiến công, Trung ương Cục đã cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản thành phố. Trung ương còn cử thêm đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng vào tăng cường và phái nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật của các bộ, các ngành đi gấp vào kịp trước ngày tổng công kích giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Công tác tiếp quản không chỉ đơn thuần về mặt hành chính và kỹ thuật mà kết hợp cả quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội; cần có sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời, đồng thời có sự giáo dục ý thức trong các lực lượng tiến vào thành phố. Mặc dù tình hình biến chuyển rất nhanh, nhưng các chính sách của Đảng, của chính quyền cách mạng đối với tôn giáo, tư sản, ngoại kiều, ngụy quân, ngụy quyền, đã được phổ biến xuống cán bộ, chiến sĩ và các ban ngành, đoàn thể.
Sau khi bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng, lại được Bộ Chính trị hướng dẫn và tăng cường thêm cán bộ từ Trung ương vào, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn - Gia Định.
Quân ủy Trung ương cử thiếu tướng Giáp Văn Cương, Phó tổng tham mưu trưởng dẫn một đoàn cán bộ và nhân viên kỹ thuật quân sự kịp vào gặp mặt Bộ Chỉ huy chiến dịch để nhận nhiệm vụ tổ chức tiếp quản các cơ sở quân sự của địch như sân bay, bến cảng, kho tàng, các căn cứ quân sự lớn…
Tuy vậy, do thời gian rất gấp, việc phổ biến chỉ thị tiếp quản chưa được sâu rộng, và phần nào thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật nên khi vào tiếp quản thành phố và trong quá trình quân quản, một số đơn vị, bộ phận chưa làm tốt công tác bảo vệ, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, làm thất thoát, hư hao, phí phạm… Ủy ban Quân quản thành phố đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN