Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến là việc sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Dự thảo cũng quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh
Dự thảo bộ luật, bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Đồng thời, dự thảo bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với Ttờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Theo đó, sẽ bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ.
Ý kiến khác cho rằng, có thể cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở các tội khác có tính chất vụ lợi như: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, song, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh.
“Vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, sự tương quan với các nhóm tội khác, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này”, ông Nguyễn Văn Hiện nói.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho rằng, thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống ma túy nhiều năm qua cho thấy, loại tội phạm này ngày càng được tổ chức tinh vi, chuyên nghiệp hơn. Theo đó, các công đoạn từ sản xuất, cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ được tổ chức hết sức chặt chẽ. Nếu chỉ quy định hình phạt tử hình đối với người mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ giảm hiệu quả đấu tranh, xử lý; vì thực tế, chủ yếu bắt giữ đối tượng vận chuyển, tàng trữ mà khó chứng minh được đối tượng mua bán. Do vậy, đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tàng trữ ma túy thì chưa nên bỏ hình phạt tử hình.
Tránh việc dùng tiền thay án tử hình
Một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo bộ luật là bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, dự thảo bộ luật cũng mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. Theo đó, ngoài 2 đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm 2 đối tượng: Người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
Theo VOV