Vào đầu tháng 4/1975, các cánh quân của ta đều xuôi về phía nam, chuẩn bị cho cuộc hội quân lớn ở Sài Gòn. Các vị tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch cũng chuyển vào Nam Bộ và gặp nhau ở căn cứ của Miền ở khu vực Tà Thiết - Lộc Ninh. Tại đây đã có mặt các đồng chí trong Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền: Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Văn Tiến Dũng, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Xô, Lê Đức Anh, Lê Văn Tưởng, Đồng Văn Cống, Lê Ngọc Hiền, Đinh Đức Thiện, Lương Văn Nho. Chiều 7/4, đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã vào tới Tà Thiết.
Cuộc họp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh) |
Ngày 8/4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, có thêm cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25/3 ở Hà Nội. Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm các đồng chí:
Phạm Hùng, Chính ủy
Văn Tiến Dũng, Tư lệnh
Phạm Văn Trà, Phó tư lệnh
Lê Đức Anh, Phó tư lệnh
Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Lê Quang Hòa, Phó tư lệnh kiêm Chủ nhiệm chính trị.
Đinh Đức Thiện, Phó tư lệnh phụ trách hậu cần
Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng.
Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần vốn có của Miền để làm việc, có tăng cường thêm một số cán bộ của Đoàn A75 vừa ở Tây Nguyên tới và từ Bộ Tổng tham mưu phái vào.
Thời gian hết sức khẩn trương. Bộ Chính trị chỉ thị cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt.
Trong không khí náo nức, sôi động của chiến trường, lần lượt các bộ tư lệnh quân chủng, binh chủng, quân đoàn đến sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ. Riêng đối với Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 của Quân khu 5 đang chiến đấu ở cánh Đông, Bộ Chỉ huy chiến dịch cử đại tá Lương Văn Nho (sau này là Phó tư lệnh Quân khu 7) đi truyền đạt nhiệm vụ. Bản mệnh lệnh có chữ ký của đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng. Mệnh lệnh nêu rõ: Tất cả các binh đoàn thuộc cánh quân phía đông đều đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, tác chiến theo kế hoạch thống nhất của Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Sau khi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn và bố trí các cánh quân trên các hướng, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy thao thức, trăn trở nhớ đến Bác Hồ - người đã suốt đời hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhớ tên Bác đã được đặt cho TP Sài Gòn, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất trí gửi một bức điện về Bộ Chính trị đề nghị xin được đặt tên Chiến dịch tổng tấn công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn với ý nghĩa và quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 12/4/1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi mặt trận, toàn văn như sau:
“Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Dưới bức điện ký tên đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ném bom dinh Độc Lập
Bước sang tháng 4, chiến sự chuyển dần về phía nam và ngày càng sôi động, tạo thế dồn ép địch vào phần đất còn lại. Trong lúc ngụy quân, ngụy quyền hoang mang dao động mạnh thì bị giáng một đòn “cân não” ngay tại Sài Gòn. Sáng 8/4/1975, một máy phản lực F5E của không quân ngụy bất ngờ bổ nhào xuống nem bom trúng dinh Độc Lập - phủ tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu. Sự kiện đột xuất này được đài, báo lập tức đưa tin, nhất là các hãng thông tấn phương Tây triệt để khai thác, khiến Mỹ - ngụy càng rối thêm và gây tâm lý nặng nề hơn.
Người phi công lái chiếc F5E đánh bom dinh Độc Lập đó chính là Nguyễn Thành Trung, một đảng viên của ta cài vào hoạt động bí mật từ lâu trong không quân ngụy.
Nguyễn Thành Trung (còn có tên là Đinh Khắc Chung) sinh năm 1947, quê ở Bến Tre. Từ năm 1960 đến năm 1968, anh đang đi học nhưng đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh, rồi làm cán bộ giao liên cho Ban Binh vận T2 (Khu 8). Năm 1969, anh được kết nạp vào Đảng và chuyển về công tác ở Ban Binh vận Trung ương Cục, được phân công làm cơ sở nội tuyến trong lực lượng không quân ngụy. Chiến đấu trong lòng địch, trước mọi hiểm nguy rình rập bản thân và gia đình, Nguyễn Thành Trung vẫn kiên định lập trường, mưu trí tránh được mọi sự theo dõi của kẻ thù, quyết tâm thực hiện mục đích lọt vào hàng ngũ không quân Mỹ để được lái phản lực F5, loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không quân ngụy.
Sau một năm học ở sân bay Nha Trang, Tân Sơn Nhất và gần 3 năm du học ở Mỹ, Nguyễn Thành Trung vẫn giữ liên lạc với Ban Binh vận Miền. Anh được quân đội ngụy phong cấp hàm trung úy.
Được hỏi về trận ném bom dinh Độc Lập diễn ra như thế nào? Nguyên Thành Trung kể:
Bao nhiêu năm hoạt động, bấy nhiêu năm công sức của tổ chức luôn luôn theo sát giúp đỡ tôi cũng chỉ để chờ giờ phút lịch sử này. Đó là những ngày cực kỳ căng thẳng. Đầu năm 1975, tổ chức báo cho biết, địch đang truy tìm một phi công quê gốc Bến Tre, lái máy bay chiến đấu, nhưng chúng không biết rõ tên tuổi cấp bậc và đơn vị. Thật may cho tôi là trong đơn vị có một sĩ quan người cùng làng biết rõ lý lịch gia đình tôi, nhưng không tiết lộ, có thể anh ta không biết tôi là cộng sản (Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng ngày 31/5/1969, trước khi khoác ba lô vào không quân ngụy). Nhưng anh này lại có một người chị gái đã từng xuống đường biểu tình, bị bỏ tù, nên địch nghi ngờ anh ta nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó chúng cũng đã cho an ninh đóng giả nông dân đến nhà gặp vợ tôi từ dưới quê lên chơi. Nhờ một câu trả lời thông minh và nhạy cảm của vợ tôi (lúc đó vợ tôi không hề biết tôi là người của cách mạng) mà chúng đã bớt nghi ngờ hơn.
Những ngày đầu tháng 4/1975, điều lo lắng muốn đứt dây thần kinh đối với tôi là sợ bị lộ mà chưa kịp hành động. Tổ chức vẫn lệnh nằm im chờ thời cơ, tốt nhất là vào lúc mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tâm tư tôi như lửa đốt, bởi chúng có thể bắt mình bất cứ lúc nào, cả vợ con mình cũng sẽ nguy hiểm.
Và giờ phút đặc biệt đã đến. Mặc dù phương án và hành động tôi đã tính toán kỹ lưỡng, nhưng thời điểm hành động đến bất ngờ đối với tôi. Hôm đó một phi đoàn 9 chiếc được lệnh đi ném bom Phan Thiết. Trong một phi đội, vị trí số 2 vắng mặt. tôi đang trực nên được lệnh bổ sung. Và tôi quyết định hành động! Phi đội tôi cất cánh cuối cùng. Điều khó khăn nhất là làm sao tôi tách được ra khỏi đội hình mà không bị chúng nghi ngờ, trong lúc bay theo đội hình bay chỉ có số 1 được quyền đàm thoại, còn các vị trí khác làm dấu hiệu bằng ngón tay để thông báo cho nhau những điều cần thiết. Khi số 1 và số 3 đã nổ máy, tôi đưa ngón tay ra hiệu máy bay bị hỏng điện, không thể bay được. Số 1 ra hiệu tôi nằm lại. Rồi số 1 cất cánh, 5 giây sau, số 3 cất cánh. Đài chỉ huy thấy tôi nằm lại, tưởng có trục trặc gì đó, sẽ xuất phát muộn hơn một lát. Đúng 10 giây sau, tôi cất cánh. Đó là 10 giây quyết định. Tôi bay dọc theo TP Biên Hòa, vòng qua Chợ Lớn rồi đột ngột bay thẳng vào dinh Độc Lập. Điều tôi lo lắng nhất bây giờ không phải là bị chúng săn đuổi trên không hoặc bị đạn dưới đất bắn lên mà lo bom không trúng dinh Độc Lập. Theo kế hoạch đã định, tôi ném 2 quả bom xuống dinh Độc Lập, 2 quả còn lại dành cho sứ quán Mỹ. tôi cho máy bay bổ nhào vào từ độ cao 1.000m thì cắt bom. Khi kéo cần lái lên, tôi thấy 2 đụn khói bốc lên ở ngoài sân. Trượt rồi! tôi quyết định quay lại. Lần này bom rơi trúng phần sau nóc dinh; đúng nơi đậu của trực thăng. Tôi quay lại lần ba nhìn cho thật chắc ăn rồi bay về hướng đông nam. Trên chiếc F5E có nạp 560 quả đạn 20 ly. Tôi quyết định xả xuống kho xăng Nhà Bè rồi nhắm phía bắc, hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long, vùng giải phóng của ta.
Khi gặp chỉ huy của ta, Nguyễn Thành Trung cho biết: không quân ngụy còn 120 chiếc A37 và 70 chiếc F5, khả năng xuất kích được 1/3. Nếu ta pháo kích sân bay Biên Hòa cứ nửa giờ một phát thì sẽ khống chế hiệu quả các phi vụ của địch.
Nhận thấy đây là cơ hội tốt, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tổng tư lệnh cho phép đưa Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng hướng dẫn một số phi công chiến đấu của ta chuyển sang lái phản lực A37 của Mỹ mà ta thu được khá nhiều, lập một phi đội A37 để khi cần thiết sẽ sử dụng.
Nguyễn Thành Trung đã nhận nhiệm vụ mới do binh chủng không quân giao, cùng đồng đội gấp rút sửa chữa, phục hồi 5 chiếc A37 và tập luyện để khẩn trương làm nhiệm vụ tác chiến. Chính phi đội A37 này ngày 28/4, do Nguyễn Thành Trung chỉ huy, đã xuất kích từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay vào Sài Gòn ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay hiện đại của địch, góp phần vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Đại úy Nguyễn Thành Trung phục vụ trong binh chủng không quân của ta. Anh đã cùng anh em công nhân kỹ thuật sửa chữa, phục hồi số máy bay A37 và F5 thu được của địch, trực tiếp lái thử và tập cho phi công của ta lái thành thạo các loại máy bay này. Anh đã có nhiều công lao đóng góp cho việc thành lập Trung đoàn cường kích A37 và Trung đoàn tiêm kích F5 của không quân Việt Nam. Nguyễn Thành Trung được phong quân hàm đại tá và được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/12/1994.
HỒ SĨ THÀNH - Hội khoa học lịch sử Phú Yên