Từng thuộc diện nghèo khó nhất của địa phương, nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng, sinh năm 1954, ở thôn Chính Nghĩa, xã An Phú (TP Tuy Hòa) đã vươn lên làm giàu từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Mới đây, ông được Hội Nông dân TP Tuy Hòa tuyên dương nông dân điển hình tiên tiến 5 năm liền giai đoạn 2011-2015.
Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Dũng buôn bán thịt heo, cuộc sống khá ổn định và có điều kiện nuôi 5 đứa con ăn học. Đến năm 2001, với số tiền dành dụm được, ông Dũng mua một chiếc tàu công suất 70CV để đi thu mua cá, bán lại. Thu nhập từ việc buôn bán cá bấp bênh nên năm 2005, ông đầu tư mua giàn lưới trực tiếp đi đánh bắt gần bờ với hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn. Không ngờ suốt mấy năm làm nghề đánh bắt cá, ông luôn bị lỗ tổn, rồi hai máy tàu cá cũng bị hư hỏng nặng nên đành bán tàu và bỏ nghề. Ông Dũng nói: “Kinh tế gia đình xuống dốc từ khi tôi chuyển sang đi mua bán cá. Khi hai máy tàu hư hỏng nặng không còn tiền để sửa, nợ nần lại chồng chất, chúng tôi coi như đã phá sản”.
Năm 2008, ông Dũng bôn ba đủ nghề để kiếm tiền nuôi con. Năm 2009, thấy một số hộ dân ở TX Sông Cầu và huyện Đông Hòa nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại thu nhập cao nên ông lấy sổ đỏ nhà thế chấp ngân hàng, vay 100 triệu đồng để nuôi tôm. Ông thuê máy múc làm hồ nuôi tôm với diện tích 3.000m2 ở gần cầu Độc Lập (đường Độc Lập, đoạn giáp ranh giữa thôn Chính Nghĩa và thôn Long Thủy), rồi mua tôm giống về thả nuôi. Ông nói: “Trước khi bắt tay vào nghề này, tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, đồng thời tham gia tập huấn nuôi tôm và được các kỹ sư chuyên ngành thủy sản hướng dẫn. Nhờ đó, vụ tôm đầu tiên tôi lãi được hơn 100 triệu đồng”. Từ số tiền này, ông tiếp tục đầu tư vụ tôm thứ hai, thứ ba; vụ nào ông cũng trúng. Ông Dũng khoe: “Mỗi năm trừ chi phí tôi lãi ròng trên 1 tỉ đồng. Nhờ đó, tôi có điều kiện trả nợ và nuôi 5 đứa con ăn học, hiện đứa nào cũng có việc làm ổn định”. Khi hỏi đến bí quyết nuôi tôm, ông cởi mở nói: Nuôi tôm thẻ chân trắng không khó nhưng cũng không đơn giản. Trong quá trình nuôi, mỗi ngày, tôi đều xi phông đáy hồ để làm vệ sinh, tránh tình trạng hồ nuôi bị ô nhiễm. Trong quá trình cho ăn, để biết tôm ăn thiếu hay thừa, ngoài việc bỏ thức ăn ở đáy hồ, tôi còn bỏ thức ăn vào hai cái nhá rồi thả xuống hồ nuôi. Nếu trong thời gian từ 1 đến 2 tiếng mà tôm ăn hết thì biết mà bổ sung thức ăn, còn thừa thì nên giảm lại. Ngoài ra, sau khi thu hoạch tôm, tôi cải tạo hồ nuôi bằng cách rửa bạt thật sạch rồi cho nước ngọt và mặn pha vào với tỉ lệ 20/1.000 độ mặn, ngâm trong thời gian một tuần, đồng thời dùng vôi để diệt khuẩn. Sau đó, tôi dùng thuốc gây tảo trước khi thả tôm xuống nuôi vụ sau. Theo ông Dũng, tảo là thức ăn cho con tôm giống trong thời gian đầu, khi tôm giống ăn tảo sẽ ít bệnh và nhanh lớn. Nhờ cách nuôi này mà năm nào ông cũng trúng tôm.
Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Chính Nghĩa Nguyễn Ngọc Quốc nói: “Từ một gia đình nghèo, nợ nần chồng chất nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng chịu khó học hỏi và cố gắng làm ăn. Đến nay, ông không chỉ thoát nghèo, trả hết nợ mà còn có tiền xây nhà và cho các con ăn học thành tài. Ông Dũng cũng vừa được Hội Nông dân TP Tuy Hòa tuyên dương tại hội nghị nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015”.
NGUYỄN CHƯƠNG