Thứ Ba, 19/11/2024 01:25 SA
Thế trận Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tạo sức mạnh cho chiến dịch mùa xuân 1975
Thứ Sáu, 03/04/2015 07:57 SA

Đồng bào Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo vào vị trí chiến đấu, chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử

Ngày 5/2/1975, sau khi vào chiến trường chỉ đạo mặt trận Tây Nguyên, tại sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, đã triệu tập cuộc họp kiểm tra chuẩn bị “thế và lực” cho chiến dịch. Trước tấm bản đồ tuyến 559 và các chiến trường nam Đông Dương, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng, từ mặt trận Tây Nguyên đã báo cáo tình hình và đề xuất những vấn đề cần giải quyết cho chiến dịch. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên báo cáo tình hình triển khai “thế trận Trường Sơn” tập trung cho chiến dịch.

 

Đại tướng Văn Tiến Dũng theo dõi từng chi tiết và kiểm tra Tư lệnh Trường Sơn về việc bảo đảm thông tin và tỏ vẻ yên tâm khi biết đã điều hai tiểu đoàn thông tin vào phối hợp với lực lượng thông tin của bộ và B3 (Khu 5), sẵn sàng triển khai mạng đa thức khi có lệnh.

 

Còn việc bảo đảm y tế và vật chất kỹ thuật cho hậu cần cũng đã được tăng cường lực lượng y bác sĩ cho Bệnh viện 46 đứng ở khu vực ngã ba biên giới và bổ sung đủ cơ số thuốc chiến thương theo dự kiến của Bộ Chỉ huy mặt trận. Ngoài ra, lương thực, xăng dầu, đạn dược dự phòng đang vận chuyển tới vị trí tập kết. Đúng ngày 20/2/1975 sẽ hoàn tất theo quy định.

 

Đại tướng kiểm tra sang phần khác. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên chỉ vào các khu vực trên bản đồ:

 

Hai trung đoàn ô tô đang chở hai sư đoàn 312 và 320 vào vị trí theo yêu cầu của Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Việc chuyển quân bảo đảm bí mật. Đến lúc này địch vẫn không biết gì cả.

 

Đại tướng Văn Tiến Dũng thở phào nhẹ nhõm:

 

Thế thì chắc thắng rồi! Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên làm “đột phá khẩu” cho chủ trương chiến lược mới. Đây là vị trí cực kỳ trọng yếu. Trong chiến tranh, bên nào đứng vững ở Tây Nguyên, bên ấy sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khống chế chiến trường nam Đông Dương. Đó là niềm mơ ước của ta từ lâu, nay mới hội đủ điều kiện thực hiện… Công đầu này thuộc về tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

 

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện (sau này được mệnh danh là “ông thần tốc” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh) đề nghị với Đại tướng cho biết ý đồ tuyệt mật của Bộ Chính trị để Tư lệnh Trường Sơn nắm rõ vai trò trọng yếu của chiến dịch chiến lược này với “phương án thời cơ”. Đại tướng chậm rãi nói:

Cuối tháng 12/1974, Bộ Chính trị dự kiến phương án giải phóng miền Nam trong năm 1975, nhưng thực hiện được hay không là ở nghệ thuật “tạo thời cơ”. Bộ Chính trị quyết định phải giành bằng được thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên để “xuất hiện thời cơ”, điểm trúng “huyệt” đối phương… Điều đó có nghĩa là bộ đội Trường Sơn phải tiến hành xuất sắc nhiệm vụ của mình cho “phương án thời cơ” ấy.

 

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận trọng trách trước Đại tướng là bộ đội Trường Sơn sẽ phấn đấu hết mình cho chiến dịch lớn để thực hiện thành công ý định của Bộ Chính trị. Sau đó, ông bay ra Hà Nội đến tổng hành dinh để báo cáo tình hình với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Tổng tư lệnh phổ biến mệnh lệnh cho Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị gấp kế hoạch tiếp theo chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ đặt ra yêu cầu phải đảm bảo cao nhất cho chiến cuộc giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Tổng Tư lệnh chợt hỏi: “Nếu bây giờ có lệnh cơ động cùng một lúc cả hai sư đoàn và tên lửa vào chiến trường, các anh có bảo đảm được không?” Trung tướng Tư lệnh Trường Sơn trả lời rõ ràng: “Bộ đội Trường Sơn có hai sư đoàn và hai trung đoàn ô tô, biên chế 800 chiếc trọng tải lớn. Hoàn toàn có thể cơ động đại quân và các binh chủng tăng, pháo, tên lửa vào chiến trường…”.

 

Trước khi hình thành thế trận Trường Sơn “cầu đường” đã đi trước một bước. Từ sau Hiệp định Paris có hiệu lực, bộ đội Trường Sơn đã tranh thủ thời kỳ ngưng tiếng súng, khẩn trương cải tạo tuyến đường chi viện đã có, đồng thời tập trung sửa chữa, nâng cấp hai tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn. Lực lượng công binh các binh trạm được tập trung tổ chức thành 20 trung đoàn và bổ sung nhiều xe, máy. Qua gần một năm tập trung lực lượng lớn lao động, xe máy, vật tư đã làm thay đổi hoàn toàn chất lượng của tuyến đường với khối lượng đào lắp 7,8 triệu mét khối đất đá, làm mới 152 cầu, 489 cống bê tông và sản xuất vận chuyển 12.273m3 đá củng cố sửa chữa ngầm. Đầu năm 1975, hệ thống đường trên toàn tuyến đã sẵn sàng phục vụ cho chiến dịch vận chuyển lớn, bảo đảm cho cuộc tống tiến công thắng lợi.

 

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 470 (đơn vị Anh hùng Lao động) đã bí mật mở đường cho xe tăng, pháo tiếp cận mục tiêu tiến công, góp phần quan trọng tạo yếu tố bí mật, bất ngờ và giành thắng lợi trong trận mở màn Buôn Ma Thuột. Tháng 4/1975, khi cuộc tổng tiến công phát triển nhanh, các sư đoàn công binh của bộ đội Trường Sơn đang làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản đã chuyển thành các sư đoàn công binh chiến đấu đi theo các hướng chiến trường để bảo đảm giao thông, khôi phục cầu đường cho các binh đoàn chủ lực tiến quân với tốc độ cao…

 

Như vậy, thế trận Trường Sơn được chuẩn bị hết sức công phu bằng công tác mở đường và vận chuyển quân, vận tải cơ sở vật chất vào chiến trường miền Nam, đã góp phần quan trọng giành thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh 275) dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền của Mỹ - ngụy.

 

Trong cuộc họp tháng 1/1974, Bộ Chính trị nhất trí thông qua phương án của Bộ Tổng tham mưu chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công mùa xuân 1975.

 

Đến cuộc họp của Thường trực Quân ủy, ý định đánh Buôn Ma Thuột mới thật hiện rõ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, kết luận xác định khu vực mục tiêu tiến công, nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng… phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung vào việc bảo vệ phía bắc Tây Nguyên.

 

Chiến dịch Tây Nguyên mang mật danh “Chiến dịch 275”. Đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, cùng một số cán bộ bắt đầu lên đường nghiên cứu mục tiêu Buôn Ma Thuột.

 

Theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ, Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vào chỉ huy mặt trận Tây Nguyên. Trong Bộ Tư lệnh mặt trận còn có các đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Hậu cần; Lê Ngọc Hiền, Phó tổng tham mưu trưởng.

 

Tây Nguyên lúc này gồm 5 tỉnh (theo địa lý quân sự của địch): Kom Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Đắk Lắk và Quảng Đức; là chiến trường rừng núi hiểm trở nối liền với vùng ven biển. Địch tại đây có 1 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân (tương đương 10 trung đoàn) và 4 thiết đoàn xe tăng - thiết giáp. Chúng bố trí thế phòng thủ hoàn chỉnh, nhưng do phán đoán sai ý định của ta nên chủ yếu tập trung quân lên phía bắc giữ Plâycu, Kon Tum; lực lượng ở Đắk Lắk ít hơn. Địch còn đánh giá sai lầm về ta: trong năm 1975, Cộng sản chưa đủ sức đánh thị xã lớn, thành phố, mà dù có đánh cũng không giữ được khi bị phản kích trở lại. Vì vậy, tuy Buôn Ma Thuột là vị trí xung yếu, nhưng địch bố trí lực lượng không mạnh lắm, có nhiều sơ hở, càng vào bên trong thị xã, lực lượng địch càng mỏng. Đồng chí Trường Chinh nói với Đại tướng Văn Tiến Dũng trước khi vào chiến trường Tây Nguyên: “Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy, kẻ địch sẽ sụp đổ…”.

 

Lực lượng ta tham gia chiến dịch Tây Nguyên gồm quân chủ lực của Tây Nguyên, của Bộ Tổng tư lệnh và của Quân khu 5, được chuẩn bị tương đối tốt, nhiều đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu trên địa hình rừng núi. So với địch, ta chiếm ưu thế về binh hỏa lực. Vấn đề quan trọng là cách đánh, cần phải có sự phát triển mới, khác với chiến dịch Mậu Thân 1968 và Xuân hè 1972.

 

Trận then chốt mở màn Chiến dịch Tây Nguyên được xác định là TX Buôn Ma Thuột, phải đột phá dũng mãnh, nhanh chóng tiêu diệt địch, đánh chiếm mục tiêu, đồng thời phải đánh gãy các cánh quân phản kích nhằm chiếm lại thị xã, nhất là phải giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Đây là kết quả của quá trình điều nghiên kỹ lưỡng, xem xét mọi vấn đề một cách khoa học, để đi đến quyết tâm chính xác và thể hiện nghệ thuật chiến dịch ở mức độ cao.

 

Trước khi nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, ta đã đưa quân lên phía bắc (vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia) nghi binh để thu hút sự tập trung của địch, khiến chúng vẫn bỏ lỏng Đắk Lắk; đồng thời đánh chiếm quân lỵ Thuần Mẫn (đường 14), Thanh An (đường 19) cắt đứt địch ở phía nam và phía bắc; đánh chiếm Đức Lập, Đắk Sông, Núi Lửa, mở thông hoàn toàn hành lang Đông Trường Sơn.

 

Như vậy đến ngày 9/3/1975, ta đã triển khai xong lực lượng cài thế chiến lược và chiến dịch, chia cắt Tây Nguyên với cùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, bao vây và cô lập TX Buôn Ma Thuột. Cuộc đấu trí giữa ta và địch kết thúc một bước, phần thắng đã nghiêng về ta. Đến lúc này, dù địch có biết chắc ta đánh Buôn Ma Thuột thì cũng đã quá muộn!

 

Giờ G ngày N chiến dịch đã được quy định. Đúng 2 giờ sáng ngày 10/3, bộ đội đặc công ém sẵn, phát hỏa một số vị trí quan trọng. Tiếp theo là những trận dội bão lửa của pháo binh ta trùm xuống Buôn Ma Thuột. Trong lúc đó, xe tăng, thiết giáp và ô tô chở bộ binh của ta từ các hướng ào ạt tiến vào thị xã. Địch bị bất ngờ, nhưng phản ứng quyết liệt. Nhiều trận ác chiến diễn ra trong thị xã. Đến 17 giờ 30, ta đã chiếm được sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk và phần lớn thị xã. Địch bị tiêu diệt quá nửa. Đến lúc này, chóp bu địch ở Sài Gòn mới tá hỏa là ta đánh Buôn Ma Thuột, nên rất lúng túng tìm cách ứng cứu, vì ta pháo kích mạnh các sân bay và cho quân phục sẵn ở các vị trí địch dự định đổ quân.

 

Ngày 11/3, ta tấn công vào vị trí quan trọng cuối cùng của địch là sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Địch nguy khốn kêu cứu khi xe tăng và bộ binh ta tràn ngập từ bốn phía. Chúng kéo cờ trắng nhiều nơi. Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật kiêm tiểu khu trưởng Đắk Lắk và sư đoàn phó Sư đoàn 23 bị bắt. Đến 10 giờ 20, ta đã cơ bản giải quyết xong Buôn Ma Thuột. Một thị xã lớn của địch bị mất trong vòng 32 giờ, quả là một điều thần kỳ trong cuộc chiến tranh giải phóng của ta.

 

Vấn đề bây giờ là ta phải phát triển thật nhanh, không cho địch kịp đối phó, không để thời tiết làm trở ngại. Một cuộc chạy đua với địch, với trời bắt đầu từ sáng 12/3/1975.

 

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự kiến địch bị tiêu diệt lớn và mất một số vị trí quan trọng nữa, nên có thể số còn lại sẽ co cụm ở Plâycu và cũng có thể chúng phải rút lui chiến lược, bỏ Tây Nguyên.

 

Theo như dự kiến của ta, địch phải huy động lực lượng tổng trù bị ứng cứu hòng giải nguy cho Buôn Ma Thuột. Nhưng khi máy bay trực thăng vừa đổ quân xuống vùng Phước An và phía tây sân bay Hòa Bình thì quân ngụy đã chạy tán loạn dưới đạn pháo và đạn bắn thẳng của quân ta. Các đơn vị đổ bộ đường không của địch lần lượt bị tiêu diệt, số còn lại rút chạy, bỏ lại ngổn ngang xe, pháo, súng đạn…

 

Cuộc phản kích của quân ngụy bị đập tan nhanh chóng.

 

Trận Buôn Ma Thuột khởi đầu Chiến dịch Tây Nguyên là đòn “điểm huyệt” ác liệt đối với địch, nó tác động dây chuyền dẫn đến sự sụp đổ không cưỡng nổi trên một số vùng rộng lớn, như nhà thơ Tố Hữu viết:

 

“Chặt Buôn Ma Thuột, rụng cả Tây Nguyên

Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”.

 

HỒ SĨ THÀNH- HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek