Cách đây 40 năm, quân và dân Phú Yên đã phối hợp với Sư đoàn 320 bộ đội chủ lực, tấn công tiêu diệt, làm tan rã, bắt sống và thu toàn bộ vũ khí trang bị của cánh quân địch rút lui từ Tây Nguyên theo Đường 7, bắc cầu phao vượt sông Ba, sang Đường 5 về Đông Tác để phòng giữ các tỉnh ven biển miền Trung.
Sau thất bại tại Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II Quân khu II vội vã điều động Trung đoàn 44 và một bộ phận Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23, được không quân yểm trợ đắc lực đổ bộ xuống Phước An (ngày 12/3/1975) để phản kích, hòng chiếm lại TX Buôn Ma Thuột. Bị quân chủ lực ta tấn công tiêu diệt, chiến trường Tây Nguyên bị cô lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp ở bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bàn kế hoạch rút quân khỏi Tây Nguyên hòng bảo toàn lực lượng, phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung, chờ thời cơ phản kích chiếm lại Tây Nguyên.
Theo tài liệu của địch để lại, lời tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân, sáng 14/3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cố vấn an ninh của Tổng thống Đặng Văn Quang bay ra quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để chủ trì cuộc họp.
Tại Tây Nguyên, thiếu tướng Phạm Văn Phú đang tìm cách củng cố lực lượng sau thất bại thảm hại tại TX Buôn Ma Thuột và trận phản kích tại Phước An, thì nhận được lệnh về ngay quân cảnh Cam Ranh để gặp tổng thống nhận lệnh. Cùng đi với Phú có chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân số 6.
Tại cuộc họp báo cáo tình hình chiến sự đang diễn ra ở Tây Nguyên, Phạm Văn Phú nhấn mạnh, 4 sư đoàn quân giải phóng đang phong tỏa khắp Pleiku, Buôn Ma Thuột, mọi đường ra biển đều bị cắt; nếu rút khỏi Tây Nguyên năm nay thì cuộc tấn công khác của cộng sản có thể vào năm tới, sẽ mất duyên hải và mất nước. Phú đề nghị yểm trợ không quân tối đa, được tiếp tế đầy đủ, được bổ sung quân số để bù đắp những thiệt hại nặng nề vừa qua.
Nghe vậy, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp, quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, cho nên phải rút khỏi các tỉnh Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng, đưa quân về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn, từ đó phản công lấy lại Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.
Nghe tổng thống phát lệnh, không có tướng lĩnh nào có ý kiến, Trần Thiện Khiêm nói, chỉ còn đường số 7 - một con đường cũ kỹ đi về phía đông qua tỉnh Phú Bổn từ lâu đã bỏ không, tuy không được tốt, nhưng công binh có thể khắc phục, để nhanh chóng rút theo đường này, tạo được yếu tố bất ngờ, vừa không bị quân chủ lực đối phương ngăn chặn. Đến cuối Đường 7, bắc cầu phao vượt sông Ba sang Đường 5, đưa quân và phương tiện theo trục đường này về tập kết tại sân bay Đông Tác, Tuy Hòa (Phú Yên), ông giao cho tướng Phú lập kế hoạch hành quân càng nhanh càng tốt, giữ bí mật về kế hoạch và thời gian, không phổ biến cho địa phương.
Phạm Văn Phú giao cho Trần Văn Cẩm lên kế hoạch hành quân, Phạm Duy Tất, tư lệnh biệt động quân chỉ huy hành quân, đại tá Lê Khắc Lý bảo đảm hành quân, điều động chỉ huy lực lượng và phương tiện bắc cầu phao vượt sông Ba. Tướng Phú bay về Nha Trang, điều phương tiện bắc cầu phao ra tập kết ở sân bay Đông Tác, lệnh cho Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều động Liên đoàn Bảo an 924 sang hướng Tuy Hòa 1 rải quân chốt giữ trục Đường 5 từ quận Hiếu Xương lên Hòn Kén, Sơn Thành, điều tiểu đoàn biệt động quân từ Khánh Hòa ra chốt giữ từ đèo Cả đến Hòa Vinh, Tuy Hòa 1.
Thực hiện kế hoạch, ngày 16/3, quân địch bắt đầu rút khỏi Kon Tum, ngày 17/3, rút quân chủ lực ở Pleiku. Khi quân chủ lực rút thì lực lượng địa phương và gia đình cùng đi theo, làm cho cuộc rút lui được chuẩn bị có tổ chức đã trở nên hoảng loạn; chiều 17/3, bộ phận đi đầu đến Củng Sơn tập kết ở ngã ba Thạnh Hội để chuẩn bị bắc cầu phao vượt sông Ba.
8 giờ ngày 17/3, tiền phương của tỉnh nhận được lệnh của Tư lệnh Quân khu 5: địch ở Tây Nguyên rút quân theo Đường 7 về TX Tuy Hòa; Tỉnh đội Phú Yên điều động toàn bộ lực lượng của tỉnh, chặn đánh địch trên trục Đường 7, không cho chúng chạy thoát, điều động Tiểu đoàn bộ binh 96 cơ động lên Củng Sơn hiệp đồng cùng Sư đoàn 320 chủ lực đánh địch từ Tây Nguyên xuống.
Bộ đội ta vượt sông Ba truy kích địch trong chiến dịch mùa xuân 1975 |
Về phía ta, tiền phương đang chỉ huy nổ súng tấn công ở hướng Tuy Hòa 2, Tiểu đoàn 96 đánh địch ở Hòa Định, Hòa Thắng, Đại đội 202 tập kích địch ở cứ điểm Núi Tranh xã Hòa Quang; trên hướng Tuy Hòa 1 đang tổ chức cho Tiểu đoàn bộ binh 13, Tiểu đoàn bộ binh 9, Tiểu đoàn trợ chiến 189, Đại đội đặc công 25, Đại đội 201, Đại đội 7 hiệp đồng chuẩn bị chiến đấu các mục tiêu đã được chuẩn bị, như Cầu Cháy, Hòn Sặc, Hòn Kén. Trinh sát của tiền phương phát hiện địch tăng cường chốt giữ trên trục Đường 5, vận chuyển phương tiện bằng máy bay tập kết ở Thạnh Hội, cơ quan tham mưu dự báo, địch có thể vượt sông Ba sang Đường 5, không theo Đường 7 về TX Tuy Hòa. Để chuẩn bị đánh địch rút theo Đường 5, chỉ huy tiền phương quyết tâm, trước tiên phải tấn công các chốt trên trục Đường 5 do lực lượng bảo an chốt giữ, thực hiện đúng kế hoạch được chuẩn bị, tạo địa bàn; có hậu phương, bảo đảm tấn công địch đúng kế hoạch và các mục tiêu đã được chuẩn bị. Đây là quyết tâm táo bạo, linh hoạt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người chỉ huy trước cấp trên.
Theo kế hoạch đêm 18 rạng ngày 19/3/1975, tiền phương trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh 13 cùng một bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn trợ chiến 189 tấn công tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy do tiểu đoàn thiếu bảo an chốt giữ, sau đó trụ lại đánh địch phản kích, Đại đội đặc công 25 tập kích cứ điểm Hòn Sặc, do địch tăng cường, ta bị thương vong không làm chủ được trận địa, Đại đội đặc công 201 tập kích cứ điểm Hòn Kén, địch tăng cường chốt giữ, ta không thực hiện được ý định, tiền phương dùng hỏa lực tập kích, làm thương vong một số, địch hoảng sợ. Tiểu đoàn bộ binh 9 tập kích quân địch ở Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Trung, tiêu diệt một bộ phận địch, trụ lại đánh địch phản kích, sáng 19/3 tiểu đoàn dùng hỏa lực và một đại đội bộ binh đánh chiếm Hòn Sặc, giải quyết thương binh tử sĩ, đưa về phía sau, tổ chức một bộ phận trụ lại Hòn Sặc sẵn sàng đánh địch từ Tây Nguyên xuống.
Ngày 19/3/1975, quân địch phản kích quyết liệt ở Cầu Cháy, trục Đường 5 khu vực ga Gò Mầm, nhưng đều bị lực lượng ta đánh bật, tiêu diệt một bộ phận địch, bắn rơi một máy bay, giữ vững trận địa.
Để chuẩn bị đánh quân địch từ Tây Nguyên xuống, chỉ huy tiền phương bố trí lại lực lượng, tập trung sức đánh; sử dụng đại đội bộ binh huyện và Đại đội 7 đặc công đánh quân địch từ phía đông phản kích lên, tiêu diệt từng bộ phận, ngăn chặn, tạo điều kiện cho các đơn vị của tỉnh tập trung tiêu diệt quân địch từ Tây Nguyên xuống.
Từ ngày 19/3 đến 25/3/1975, địch phản kích quyết liệt từ hai hướng nhưng đều bị ta chặn đánh quyết liệt, giữ vững trận địa, chia cắt hai cánh quân, không cho chúng liên lạc với nhau. Cánh quân Tây Nguyên xuống thiếu lương thực, thiếu nước uống nhưng chúng rất ngoan cố phản kích liên tục để tìm đường tháo chạy. Bộ đội ta ngoan cường bám trụ, quyết tâm tiêu diệt không cho địch chạy thoát, ngày 24/3/1975, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 truy kích địch theo trục Đường 7 đến Củng Sơn tổ chức tấn công quận lỵ Củng Sơn, địch thả bom phá cầu phao bắc qua sông Ba, phá hủy một số xe bỏ lại ở hai đầu cầu. Sau khi đánh chiếm Củng Sơn, Tiểu đoàn bộ binh 96 truy kích đánh địch từ phía sau, địch vội vã điều động phương tiện máy bay, pháo binh, bắn phá quyết liệt trên trục Đường 5 để yểm trợ cho bộ binh chúng tháo chạy; các tiểu đoàn bộ binh của ta vận động tấn công, chia cắt địch trên trục Đường 5, bắt sống hàng nghìn tên, số còn lại ra đầu hàng, thu hàng trăm xe các loại; làm thất bại hoàn toàn cuộc rút quân chiến lược từ Tây Nguyên xuống vào trưa 25/3/1975. Chiến thắng Đường 5 được các nhà quân sự ví như trận chiến Bạch Đằng trên cạn; đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chiến thắng Đường 5 thể hiện tính chủ động, quyết đoán, táo bạo, linh hoạt, trách nhiệm cao của người chỉ huy trong điều hành cơ quan giúp việc, chuẩn bị mọi tình huống, trong điều kiện bị động chuyển sang chủ động, về tổ chức nắm địch, chuyển phương thức tác chiến, phù hợp đánh địch giành thắng lợi.
Chiến thắng đường 5 vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng, tạo ra cơ sở vật chất, thực hiện lấy ít đánh nhiều, lấy thô sơ chống lại phương tiện hiện đại.
Chiến thắng Đường 5 thể hiện vai trò của bộ đội địa phương trong phối hợp chiến dịch, bảo đảm tác chiến trên một hướng có khả năng tiêu hao tiêu diệt, ngăn chặn địch để phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện mục đích, mục tiêu của chiến dịch.
Chiến thắng Đường 5 là một mốc son hào hùng của quân và dân Phú Yên trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đập tan kế hoạch rút lui chiến lược của địch, tạo thuận lợi cho quân và dân Phú Yên phối hợp với Sư đoàn 320 chủ lực, tấn công nổi dậy giải phóng Phú Yên (1/4/1975), góp phần to lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI
Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên