Ngày 31/3, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại mới của Bộ Chính trị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo và các cán bộ trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị khóa 10, hội nghị khẳng định Quy chế đã phát huy vai trò quan trọng vào việc bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại.
Việc thực hiện quy chế góp phần triển khai có hiệu quả đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa Trung ương với địa phương, giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, giữa đối ngoại với an ninh, quốc phòng và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội nghị đã nghe phổ biến và quán triệt Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại mới của Bộ Chính trị và hướng dẫn thực hiện quy chế. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định việc Bộ Chính trị ban hành Quy chế mới về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại vừa kế thừa những nguyên tắc, nội dung cơ bản của quy chế trước đây, đồng thời đưa ra những sửa đổi, bổ sung hợp lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý các hoạt động đối ngoại trong giai đoạn mới.
Tư tưởng xuyên suốt của Quy chế mới về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại là đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Đồng thời, thực hiện sự phân công, phân nhiệm mạnh hơn, rõ ràng hơn, bảo đảm nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đề cao vai trò chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và các tổ chức nhân dân trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại; bảo đảm việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cơ quan đầu mối quản lý về đối ngoại cần tăng cường hơn nữa vai trò chủ động của mình trong quản lý, phối hợp và triển khai các hoạt động đối ngoại; chú trọng xây dựng và thực hiện có hiệu quả "cơ chế phối hợp, trao đổi ý kiến" giữa các cơ quan đầu mối với các cơ quan, tổ chức, địa phương để bảo đảm xử lý, tham mưu chính xác, kịp thời và có hiệu quả các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại.
Để thực hiện có hiệu quả và thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại mới; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và sớm ban hành thống nhất một Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại của cơ quan, tổ chức, địa phương mình trong năm 2015.
Các cơ quan, tổ chức, địa phương chú trọng hơn nữa việc xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại của mình và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước khi triển khai kế hoạch cũng như các hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt.
Các cơ quan, tổ chức, địa phương tích cực xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có kiến thức sâu rộng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; giỏi về ngoại ngữ, chuyên sâu về nghiệp vụ, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương đã trao đổi ý kiến, đánh giá những kết quả tích cực trong công tác quản lý, phối hợp và triển khai các hoạt động đối ngoại thời gian qua. Phân tích các mặt còn hạn chế, bất cập cần khắc phục trong quá trình thực hiện, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo sự đồng bộ và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Theo TTXVN, Vietnam+