Cách đây 40 năm, huyện Sơn Hòa hoàn toàn giải phóng, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử hào hùng, oanh liệt của Đảng bộ, quân và dân Sơn Hòa, góp sức cùng quân, dân trong tỉnh và cả nước hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn - Ảnh: L.KHA |
TỰ HÀO BỀ DÀY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Với truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc anh em cùng với những bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ và nhân dân huyện đã rút ra và đúc kết trong suốt 40 năm xây dựng, phát triển. Toàn đảng bộ, toàn dân, toàn quân huyện Sơn Hòa sẽ quyết tâm giữ vững truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tạo tiền đề tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Hòa lần thứ XI. |
Trải qua 2 cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ và gian khổ, quân và dân huyện Sơn Hòa đã cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, tiêu biểu cho tinh thần xả thân vì nước, cho mối tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc, để bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Để ghi nhận công lao, thành tích trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược thống nhất đất nước, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Sơn Hòa và 7 xã: Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Hội, Suối Trai đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 1.281 người được tặng huân, huy chương kháng chiến; 179 người được tặng kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Có 720 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc được Nhà nước công nhận là liệt sĩ; 306 cán bộ, chiến sĩ là thương, bệnh binh; 67 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhớ những ngày tháng 3 lịch sử của 40 năm trước, Sơn Hòa vừa bước ra khỏi chiến tranh bằng hai bàn tay trắng với nhiều vùng đất nham nhở hố bom, ruộng đồng hoang hóa. Nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương cũng như tỉnh Phú Yên, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước ổn định cuộc sống và chăm lo sản xuất. Giai đoạn đầu nền kinh tế tự túc, tự cấp chưa đảm bảo cho sự phát triển chung của toàn huyện và đáp ứng cho đời sống của nhân dân. Toàn huyện chỉ có 20ha lúa nước, 2.000ha đất khai hoang phục hóa, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, sức kéo và vận chuyển hàng hóa chủ yếu dựa vào đàn trâu, bò… Mọi hoạt động của hệ thống chính trị phải dựa vào sự hỗ trợ của tỉnh.
Từ năm 1986 đến 2000, cùng với đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, huyện đã tập trung chỉ đạo và xác định nông nghiệp là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế. Bám sát mục tiêu và định hướng, tập trung lãnh đạo phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp đa dạng hóa các loại cây trồng khác như: cây mía, lúa nước, cây thuốc lá, sắn, mè và đậu các loại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người nông dân.
Trong giai đoạn này, đàn gia súc, gia cầm tăng cả về số lượng và chất lượng, nhờ mở rộng và phát triển sản xuất phù hợp với từng địa phương nên đến năm 2000 diện tích một số loại cây trồng chủ lực như mía, thuốc lá tăng cao. Đặc biệt, Nhà máy đường KCP 100% vốn nước ngoài được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đi vào hoạt động, đã giải quyết được nguồn nguyên liệu mía cho nhân dân, cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vừa và nhỏ khác phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Số hộ nghèo giảm hẳn, tình trạng thiếu đói giáp hạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hạn chế đáng kể.
Những năm qua, nhất là sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII năm 2000, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với sự tập trung đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ được thông qua các chương trình dự án đặc biệt là Chương trình 134, 135 cho các xã đặc biệt khó khăn và các chương trình dự án đầu tư trực tiếp của tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, nhiều công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng như điện, đường, trường, trạm; các công trình thủy lợi nhỏ phù hợp với quy mô sản xuất nông nghiệp địa phương; các công ty, nhà máy chế biến nông sản; các vùng chuyên canh sản xuất mía, thuốc lá, cà phê, cao su, phát triển kinh tế rừng đồi… Từ đó nền kinh tế của huyện có sự tăng trưởng đáng kể, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đã nâng dần mức phát triển chung của huyện và của các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một góc thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: P.NAM |
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH VÀ BỀN VỮNG
Nhìn lại 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Hòa có quyền tự hào trước sự thay đổi của quê hương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ và nhân dân trong huyện luôn đoàn kết, cố gắng, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 26 triệu đồng, tăng gần 13 triệu đồng so với năm 2010; lương thực đạt trên 306kg/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn được duy trì trên 10%; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm 20%; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,51%. Nền kinh tế huyện nhà tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả. Toàn huyện có 27.600ha diện tích gieo trồng, trong đó cây mía 13.100ha, đây là cây trồng chủ lực của huyện để tiến hành hiện đại hóa nông thôn, sản lượng lương thực có hạt đạt 19.500 tấn; tổng đàn bò 20.200 con, tỉ lệ bò lai chiếm trên 65%... Đặc biệt, hiện nay, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết sản xuất cây lúa nước mang lại hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện.
Hệ thống giao thông đã thông suốt đến các thôn, buôn; 100% thôn, buôn trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia; trên 99% dân số sử dụng điện; 100% số xã có phòng học kiên cố; phấn đấu đến cuối năm 2015 có 8/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; các dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng, phục vụ tốt các nhu cầu của nhân dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 4 xã đạt từ 9 đến 11 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 4 đến 8 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2015 có 3 xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Định đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện đã thực hiện được một số chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt ưu tiên các ngành công nghiệp khai thác, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Huyện thành lập Cụm công nghiệp Ba Bản mở rộng với diện tích 67ha. Hiện trên địa bàn huyện có 69 doanh nghiệp, trong đó có 3 công ty cổ phần, 33 công ty TNHH và 33 doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt có Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam giữ vai trò chủ lực trong sản xuất công, nông nghiệp của huyện; Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ được đầu tư xây dựng từ năm 2004, hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 11/2009 và 34 công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Quần thể Khu căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ nằm trên địa bàn 3 xã phía bắc của huyện là Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích quốc gia và một số di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh như: Trại An Trí Trà Kê thuộc xã Sơn Hội, địa điểm quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý thuộc thị trấn Củng Sơn và nhiều danh lam thắng cảnh khác có khả năng mở ra hướng phát triển du lịch, dịch vụ, hứa hẹn nhiều tương lai mới cho sự phát triển đi lên của huyện nhà.
Cùng với sự phát triển kinh tế, huyện luôn chú trọng đến phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chất lượng giáo dục, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các hoạt động văn hóa, thể thao đều được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Công tác chăm lo chính sách, chế độ đối với người có công và đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, củng cố; công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ”Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trọng tâm là tự phê bình và phê bình, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu quả và thiết thực hơn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn ngày càng phát triển, có bản lĩnh vững vàng và trình độ, trí tuệ đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.
NGUYỄN QUỐC HOÀN
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa