Ngày 16/3, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khai mạc tuần làm việc thứ ba của Khóa họp thường kỳ lần thứ 28 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) với việc tổ chức các cuộc đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước cụ thể.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (Geneva) đã có các phát biểu về tình hình nhân quyền tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Liên bang Myanmar.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành ghi nhận những cam kết và một số động thái tích cực gần đây của Triều Tiên cần được cộng đồng quốc tế khuyến khích; chia sẻ quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề nhân quyền và nhân đạo tại nước này, trong đó có vấn đề bắt cóc, cũng như yêu cầu bảo đảm các quyền lương thực, y tế, giáo dục cho người dân tại thực địa.
Việt Nam ủng hộ các bên liên quan nỗ lực đối thoại và hợp tác xây dựng để giải quyết các vấn đề tồn tại, thay vì chính trị hóa, gây sức ép không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam sẵn sàng nỗ lực cùng thúc đẩy, tạo điều kiện cho đối thoại thực chất giữa các bên hữu quan.
Về vấn đề nhân quyền Iran, đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh những cam kết và tiến bộ liên quan trong thời gian qua tại Iran, nhất là về vị thế của phụ nữ, về quyền giáo dục và y tế, cũng như sự hợp tác của Iran với các cơ chế liên quan của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc tham gia tích cực tại chu kỳ 2 của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR).
Việt Nam hoan nghênh việc các báo cáo liên quan của Liên Hợp Quốc, dù vẫn còn những thông tin một chiều, tiêu cực, nhưng cũng đã ghi nhận những tiến bộ và hợp tác của Iran. Việt Nam cho rằng Iran và các bên liên quan cần tận dụng những dấu hiệu tích cực này để có đối thoại thực chất, tiến tới hợp tác để giải quyết thỏa đáng các vấn đề cùng quan tâm.
Trong bài phát biểu với tư cách quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016, đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh những thành tựu của Myanmar trong tiến trình cải cách, dân chủ hóa và hòa giải dân tộc như ổn định xã hội, phát triển kinh tế, tăng cường bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Việt Nam ghi nhận quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình quan trọng ở Myanmar hướng tới các cuộc bầu cử trong năm 2015; và nhấn mạnh rằng các quan tâm đó cần được thể hiện trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc về dân tộc tự quyết và không can thiệp nội bộ, như Hiến chương Liên Hợp Quốc đã thể hiện.
Phát biểu chia sẻ nhu cầu của Myanmar đối với hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân, và cho rằng sự hỗ trợ đó cần được thực hiện trên cơ sở đối thoại chân thành hơn là gây sức ép chính trị.
Ngoài ra, đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng có phát biểu thay mặt ASEAN, với tư cách Đồng điều phối viên của hiệp hội tại Hội đồng Nhân quyền năm 2015 tại cuộc thảo luận về tình hình nhân quyền Myanmar.
Phát biểu khẳng định tình đoàn kết của ASEAN với Myanmar, ủng hộ cam kết của Myanmar trong tiến trình cải cách, dân chủ hóa và hòa giải dân tộc cũng như thiện chí hợp tác với các cơ chế liên quan của Liên Hợp Quốc.
ASEAN nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận khách quan, không phân biệt, không tiêu chuẩn kép và chính trị hóa khi xem xét các vấn đề nhân quyền; và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền cân nhắc lại việc xem xét vấn đề Myanmar trong chương trình nghị sự của cơ chế này.
Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét khả năng có các nghị quyết/quyết định về tình hình một số nước cụ thể như Triều Tiên, Iran, Myanmar, Syria, Eritrea…, cùng hơn 30 vấn đề chuyên đề khác trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 28, dự kiến bế mạc ngày 27/3/2015.
Theo TTXVN/Vietnam+