Luôn quan tâm, tìm cách tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức của trường tham gia các hoạt động thi đua sáng tạo; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động và trăn trở về việc giáo dục văn hóa học đường cho học sinh, sinh viên (HSSV)..., đó là thầy Nguyễn Ngọc A, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm định chất lượng giáo dục, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa.
VÌ LỢI ÍCH NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ HỌC SINH, SINH VIÊN
Trong các năm qua, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đặt nhiệm vụ trọng tâm là vận động, tổ chức cho cán bộ, viên chức thi đua lao động sáng tạo để xây dựng, phát triển nhà trường, đảm bảo việc làm, tiền lương và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động. Chính vì vậy, với trách nhiệm là Chủ tịch CĐCS, thực hiện kế hoạch do LĐLĐ triển khai, nhất là kế hoạch thi đua và tuyên truyền giáo dục, thầy A cùng với Ban chấp hành tổ chức cho cán bộ, viên chức học tập quán triệt Luật Bình đẳng giới, luật, nghị định và các quy chế về thi đua khen thưởng; phối hợp chuyên môn tổ chức cho cán bộ, viên chức học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương VIII, IX; nghị quyết của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo,… Đặc biệt, năm 2014 có hai sự kiện lớn là kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, CĐCS trường đã tổ chức thực hiện hai công trình Phòng thí nghiệm LAS-XD 1415, Văn phòng trung tâm KH-CN và được LĐLĐ tỉnh gắn biển.
Điểm nhấn góp phần thay đổi diện mạo, cách nhìn nhận về HSSV của trường năm qua đó là thầy A cùng với tập thể cán bộ công đoàn thực hiện giáo dục văn hóa học đường cho HSSV. Tình hình tuyển sinh đầu vào ngày càng khó khăn, HSSV ngày càng tỏ ra xa rời tập thể, ngại tiếp xúc và thiếu tự tin đã làm cho các nhà tuyển dụng có nhiều ý kiến phàn nàn khi các em đi phỏng vấn tìm việc. Thầy A trăn trở. “Tôi chủ động tổ chức các cuộc họp liên tịch giữa Công đoàn với Đoàn Thanh niên của trường để tìm kiếm giải pháp tích cực cho việc học tập của HSSV nói riêng và tổ chức quản lý, giáo dục kỹ năng nói chung nhằm trang bị cho các em những kỹ năng để sẵn sàng hội nhập. Cụ thể, đó là các nội dung như hướng dẫn phương pháp tự học tự nghiên cứu, phương pháp làm việc nhóm, xây dựng tính cách mạnh dạn tự tin, chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, tiết kiệm chống lãng phí, bảo vệ môi trường và chấp hành pháp luật. Đi liền đó là tổ chức các hoạt động thi đua ngắn dành cho HSSV (Nhớ ơn mẹ - 20/10; Tri ân thầy cô - 20/11; Học sinh thanh lịch - 26/3; Sinh viên 5 tốt - 9/1); kiểm tra chéo giữa các liên chi đoàn; mặc đồng phục theo ngành, mặc áo đoàn vào thứ hai và thứ sáu trong tuần…”, thầy A nói.
NHIỀU SÁNG KIẾN LÀM LỢI CHO CỘNG ĐỒNG
Bên cạnh những sáng kiến trong công tác chỉ đạo, cá nhân thầy A còn tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị bốc mía lên xe tải phục vụ cho quá trình thu hoạch mía tại Phú Yên”. Sau khi nghiên cứu tình hình thu hoạch mía, nghiên cứu các thiết bị bốc mía lên xe, thầy cùng với các thành viên trong nhóm mạnh dạn cải tiến hoạt động của thiết bị, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công, được Bộ Công thương nghiệm thu đạt loại khá. Thiết bị bốc mía lên xe góp phần cơ giới hóa khâu thu hoạch mía nằm trong tổng thể chương trình cơ giới hóa canh tác mía. Nhờ vậy, năng suất tăng gấp 4 lần, chi phí giảm 6 lần so với dùng nhân công để thực hiện như trước đây. Đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động khi thời vụ thu hoạch mía trùng với các thời vụ nông nghiệp khác.
Thầy A được UBND tỉnh cử làm Chủ tịch Hội đồng xét duyệt (năm 2010) và Hội đồng nghiệm thu (năm 2014) đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và khảo nghiệm máy trồng hai hàng mía từ nguyên liệu cây hom tại Phú Yên” (MTMPY-2) do thạc sĩ Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, làm chủ nhiệm. Ngoài ra, thầy còn biên soạn giáo trình Nguyên lý máy được nghiệm thu và sử dụng giảng dạy tại trường; chủ trì xây dựng Báo cáo tự đánh giá chất lượng của trường giai đoạn 2010-2014, được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) xét duyệt, đưa vào danh sách 34 trường cao đẳng trong tổng số 197 trường trên toàn quốc hoàn thành tự đánh giá lần hai để chuẩn bị đánh giá ngoài.
Thầy A cho biết thêm: “Thời gian làm Trưởng khối trường học, tôi cùng với chủ tịch CĐCS các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu. Riêng năm 2014, khối trường học đóng góp các quỹ xã hội từ thiện hơn 560 triệu đồng; đóng góp xây nhà Đại đoàn kết tại huyện Đông Hòa. Qua nhiều năm công tác, nhất là khi đã là “thủ lĩnh công đoàn” tôi rút ra được nhiều bài học. Trong đó, việc đầu tiên là tập hợp được lực lượng, tạo sự đồng thuận cao trong các hoạt động sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho tập thể và cho cá nhân; đảm bảo dân chủ cơ sở, công khai minh bạch, biết lắng nghe, chia sẻ, gần gũi với cán bộ đoàn viên công đoàn… là những yếu tố đem lại thành công”.
Với những thành tích đạt được, năm 2013, thầy vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2014, nhận Huân chương Lao động hạng 3; CĐCS trường liên tục trong 2 năm (2013, 2014) được nhận bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Mới đây, thầy được báo cáo điển hình tiên tiến tại hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh về phát huy vai trò chủ tịch công đoàn trong vận động và tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Thận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, phụ trách Công đoàn khối trường học, cho biết: “Đồng chí Ngọc A là một chủ tịch CĐCS năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động của trường, của khối và LĐLĐ tỉnh giao. Đồng chí luôn là người gương mẫu, có uy tín, là địa chỉ tin cậy cho cán bộ, viên chức của trường”.
THÙY THẢO