Nhân dân Việt
Các cụ cao tuổi huyện Tuy An thăm di tích vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh-Ảnh: KIM LONG
Không chỉ trong phạm vi làng xã mà việc chung của cả nước, ý kiến của lớp người cao tuổi cũng có một giá trị to lớn. Trước lẽ sống còn của đất nước, khi vó ngựa giặc Nguyên tiến gần biên giới, vua Trần Thái Tông đã mời các cụ bô lão về Điện Diên Hồng để hỏi: “Thế giặc mạnh, nên hòa hay nên chiến?”. Tiếng hô “quyết chiến!” của các cụ củng cố thêm quyết tâm của triều đình, đánh bạt tư tưởng của những phần tử yếu hèn, sợ địch như Trần Ích Tắc, trở thành lời thề “Sát Thát” sôi sục trong trái tim mỗi người dân, tạo nên sức mạnh để dân tộc ta quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến lớp người cao tuổi. Cuối tháng 1/1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp lực lượng toàn dân, chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ để vùng lên giành quyền độc lập cho dân tộc.
Ngày 6/6/1941, Bác Hồ viết lời kính cáo đồng bào toàn quốc, trong đó Bác đặc biệt chú ý kêu gọi sự hưởng ứng của lớp người cao tuổi: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”. Người xác định: “Trách nhiệm của phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì”.
Chính Bác Hồ là người đầu tiên khởi xướng việc phụ lão chúng ta phải nêu gương sáng. Bác nhắc nhở phụ lão phải nêu gương sáng về lòng yêu nước, về đạo đức cách mạng, tùy theo khả năng sức lực mà tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngày nay, do điều kiện sinh sống ngày một nâng cao, nên số người cao tuổi ở nước ta ngày càng đông. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, người cao tuổi chiếm gần 10% dân số cả nước. Các cụ ông, cụ bà thọ trên trăm tuổi cũng không hiếm như trước đây. Riêng ở tỉnh ta đã có tới 167 cụ từ 100 tuổi trở lên. Người cao tuổi nhất là cụ Oi Nghĩa ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, 112 tuổi.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện đạo lý “kính lão trọng thọ” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi, xem người cao tuổi là vốn quí giá của dân tộc, mong các cụ “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1). Mong các cụ vừa nêu gương sáng, vừa qua vốn từng trải của mình hiến kế cho các địa phương, làng xã, khu phố đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai sâu rộng và hiệu quả cuộc vận động: “Học tập là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Chúc các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, nêu gương sáng cho con cháu, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!
BẰNG TÍN
(1) Câu thêu trên bức trướng của Ban chấp hành TW Đảng tặng Đại hội II Người Cao tuổi VN