Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 36, chiều 9/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật ban hành văn bản pháp luật.
Thảo luận dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung được thể hiện tại dự thảo Báo cáo.
Thảo luận về đoạn Mở đầu của dự thảo Luật, đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc không quy định về đoạn Mở đầu, để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật; việc nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện tại các nội dung cụ thể trong các điều luật.
Nhiều ý kiến tán thành với việc chuyển hóa một phần nội dung đoạn Mở đầu vào quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật để nhấn mạnh vị trí, vai trò, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tán thành với quan điểm này, tuy nhiên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, đảo lại vị trí các khoản trong Điều 1 để cách thể hiện được hợp lý hơn.
Theo dự thảo Luật, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
“Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho biết.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lo ngại nếu không nêu rõ phạm vi giám sát trong dự thảo Luật sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo. Đại biểu cho rằng tuy giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, tính chất khác hẳn giám sát quyền lực, nhưng nội dung giám sát lại giống nhau.
Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định cụ thể: Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện những công việc cụ thể ở cơ sở; đồng thời Mặt trận có quyền kiến nghị tham gia vào đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về những nội dung mà kế hoạch, nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đã ban hành.
Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, quy định giám sát của Mặt trận chỉ để “hỗ trợ” cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, như vậy đúng không? Theo dự thảo, “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân”, vì vậy, giám sát của Mặt trận phải mang tính độc lập, đại diện cho nhân dân. Cho nên giám sát phải là đại diện cho dân, chứ không phải hỗ trợ cho nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu.
Lý giải nội dung này, tham gia phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân nhưng không phải vấn đề gì cũng giám sát.
Dự thảo quy định như vậy là để Mặt trận Tổ quốc kịp thời phát hiện, tham gia giám sát, tránh chồng chéo, chứ không phải “né tránh” vai trò giám sát của mình. Như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ làm tốt rồi thì Mặt trận hỗ trợ để làm tốt hơn. Nhưng nếu có vấn đề thì Mặt trận sẽ không né tránh mà sẽ tham gia giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: phạm vi điều chỉnh của Luật; tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban công tác Mặt trận...
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Các ý kiến tại phiên thảo luận tập trung làm rõ các nội dung về phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương...
Nêu rõ khái niệm và sự khác nhau cơ bản giữa văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn theo phương án 2 của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trên cơ sở đó, các cơ quan hữu quan sẽ phối hợp cùng Ban soạn thảo hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Phương án 2 đề xuất giữ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/ 2014) với những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về nội dung trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sửa lại tên Luật là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Bố cục của Dự thảo Luật được chia thành 14 chương với 150 điều. Báo cáo nêu rõ, việc dự án Luật chỉ điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự phân định rành mạch thẩm quyền lập pháp (ban hành văn bản quy phạm pháp luật) với thẩm quyền hành chính (ban hành văn bản hành chính); bảo đảm sự kế thừa các Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được thực tế kiểm nghiệm trong hoạt động lập pháp nói riêng và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung ở nước ta trong gần 20 năm qua; bảo đảm tiến độ ban hành luật để cụ thể hóa và quy định mới của Hiến pháp theo Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; bảo đảm thực hiện đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định.
Ủy ban Pháp luật cho biết việc ban hành văn bản hành chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, quy định trong dự án Luật ban hành quyết định hành chính và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015.
Theo TTXVN/Vietnam+