Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức trao giải thưởng “Người công nhân trẻ giỏi” cho 5 công nhân, đồng thời tuyên dương 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”. Báo Phú Yên giới thiệu 2 trong số những công nhân xuất sắc đó.
NGUYỄN HỮU NAM (ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN PYMEPHARCO): “Cây” sáng kiến
Năm 2009, tốt nghiệp kỹ sư Hóa, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Nam (SN 1986) được Công ty cổ phần PYMEPHARCO nhận vào làm kiểm nghiệm viên của phòng kiểm nghiệm. Với nhiệm vụ là xác định, đánh giá chất lượng thuốc thành phẩm trước khi đưa ra thị trường, anh đã nỗ lực hết mình và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nguyễn Hữu Nam tâm sự: “Làm kiểm nghiệm viên, hàng ngày luôn tiếp xúc với hóa chất, gây hại cho sức khỏe nên tôi luôn tìm cách để giảm thiểu và thay thế bằng những hóa chất thường, ít hại mà vẫn đảm bảo định lượng chính xác, hàm lượng của hoạt chất trong thuốc thành phẩm”. Cụ thể, trước việc định lượng Vitamin D2 bằng phương pháp xử lý mẫu rất tốn thời gian vì phải chiết và tách, dễ làm mất hàm lượng của Vitamin D2 trong mẫu và tiếp xúc với hóa chất độc, năm 2011, Nguyễn Hữu Nam định lượng Vitamin D2 trong thành phẩm viên nang mềm ACTIPLEX bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Theo anh, dùng phương pháp này định lượng rất đơn giản nhưng hiệu quả cao, giảm đáng kể thời gian xử lý mẫu, tránh cho kiểm nghiệm viên phân tích mẫu tiếp xúc với các dung môi dễ cháy, hóa chất độc hại như: Ethyl acetate, n-hexan… Phương pháp này được xây dựng phù hợp với nguyên tắc GLP và được công ty áp dụng tại Phòng Kiểm nghiệm Block A&C.
Không dừng lại, năm 2014, Nguyễn Hữu Nam còn nghiên cứu đề tài về định lượng axit stearic và axit palmitic trong nguyên liệu Magnesium steartate bằng phương pháp sắc ký khí. Anh Nam cho biết, phân tích mẫu bằng phương pháp sắc ký khí không còn mới mẻ nhưng ở công ty, đa phần mẫu đều gửi vào Viện Kiểm nghiệm ở TP Hồ Chí Minh để phân tích. Vì vậy, anh cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu đề tài này, nhằm đánh giá lại thiết bị, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, hóa chất sẵn có và giảm được chi phí dịch vụ phân tích các mẫu. Qua đó xây dựng phương pháp định lượng axit stearic và axit palmitic dựa trên các tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp với nguyên tắc GLP. Kết quả, phương pháp này đã được công ty áp dụng tại phòng kiểm nghiệm.
“Không chỉ năng nổ, có nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn, Nguyễn Hữu Nam còn tham gia nhiệt tình công tác đoàn. Anh là thành viên đội tuyển bóng đá của công ty, tham gia nhiều giải đấu của Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh và nhiều năm giành được giải. Mới đây, tại giải bóng đá truyền thống của Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh năm 2014, anh đã góp phần đưa đội bóng của công ty đoạt chức vô địch”, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty cổ phần PYMEPHARCO Trần Quang Mạnh cho biết.
NGUYỄN VĂN QUÂN (ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN I.D.P): Vượt khó, tay nghề cao
Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên học hết lớp 9, Nguyễn Văn Quân phải nghỉ giữa chừng và rời Thanh Hóa vào Gia Lai hái cà phê thuê kiếm sống. Nhưng thu nhập không ổn định, hết mùa cà phê là hết việc. Năm 2003, Quân theo một người quen xuống Phú Yên làm công nhân ở Công ty cổ phần An Hưng, sau đó chuyển sang làm tại Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina (thuộc Công ty cổ phần I.D.P). Sau thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tay nghề được nâng lên, năm 2008, anh được cất nhắc làm tổ phó bộ phận cắt của công ty này cho đến nay. Quân cho biết, làm bộ phận cắt vải không đơn giản. Tổ gồm 13 người, để đảm bảo cho gần 700 công nhân may, mỗi thành viên mỗi ngày phải cắt cả trăm áo hoặc quần. “Để cắt được số lượng như vậy, tôi phải trải cả trăm lớp vải lên bàn rồi đặt sơ đồ đã thiết kế sẵn lên cắt. Công đoạn này không hề đơn giản, nếu không có sự khéo léo cũng như kinh nghiệm thì những lớp vải phía dưới dễ bị lệch và không đúng theo mẫu đặt hàng”, Quân chia sẻ.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm ở bộ phận cắt vải, Nguyễn Văn Quân không chỉ nâng cao tay nghề mà còn có nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đơn cử, trước tình trạng mỗi năm công ty phải tốn kém hàng chục triệu đồng chuyển vải vào TP Hồ Chí Minh cắt quyền rồi mang về cho công nhân ráp. Năm 2014, Quân tự nghiên cứu và làm thí nghiệm trên máy cắt vòng chi tiết nhỏ, bằng cách “độ” thêm một cữ đặt vào máy và tập cắt trong thời gian 7 ngày. Cuối cùng sáng kiến của anh đã thành công và được công ty áp dụng hơn 4 tháng nay. Nguyễn Văn Quân thổ lộ: “Sáng kiến này của tôi được áp dụng vào dây chuyền sản xuất của công ty đảm bảo được độ chính xác và mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên hiện nay, mỗi lần cắt chỉ được 50 đến 60m là tối đa. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi nghiên cứu để nâng cao năng suất hơn nữa”.
NGUYỄN CHƯƠNG