Ba mẹ chia tay, cuộc sống nghèo khó, nhưng Lê Thị Quỳnh Như (cựu học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa) đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Năm học này, Như là tân sinh viên của ngành Điều dưỡng hộ sinh, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Lê Thị Quỳnh Như - Ảnh: K.HÀ |
Tại chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ dành cho 120 tân sinh viên của 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên, có một nữ sinh đã để lại nhiều xúc cảm đặc biệt. Với dáng người nhỏ nhắn, nụ cười rất hiền, Như mặc chiếc áo trắng lên nhận học bổng. Chương trình vừa kết thúc, em gọi ngay cho mẹ và chị gái đang ở TP Hồ Chí Minh, giọng hào hứng: “Con nhận được 5 triệu đồng. Vậy là mẹ con mình có tiền đóng tiền nhà tháng này và trả bớt nợ rồi”.
Như là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa. Năm Như học lớp 10, ba mẹ em ly hôn. Vậy là mẹ đưa hai chị em Như về nhà bà ngoại tá túc. Nhà ngoại cũng chẳng khá giả gì, có một sào ruộng nhưng đã cho người khác thuê. Để có tiền nuôi mẹ già và hai con đang tuổi ăn học, mẹ Như, bà Nguyễn Thị Thu Hồng phải gồng mình đi làm thuê. Sức khỏe yếu, nhưng hễ cứ nghe đầu trên xóm dưới chỗ nào cần người làm, bà cũng nhận làm, từ cắt lúa đến chặt mía, cuốc cỏ thuê… Có lần, bà bị bó mía đâm thấu bụng, thủng dạ dày và phải cắt bỏ một bên thận. Không có tiền phẫu thuật, mấy mẹ con chạy vạy vay mượn khắp nơi. Chưa kịp khỏe, bà tất tả đi làm để có tiền trang trải nợ nần và lo cho gia đình. Bà Hồng bộc bạch: “Cuộc sống nghèo khó nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện để con cái nghỉ học. Tôi luôn động viên các con cố gắng học để sau này tìm được việc làm ổn định”.
Thấu hiểu gia cảnh khó khăn, hai chị em Như luôn chăm ngoan, vượt khó. Từ ngày chị gái Lê Thị Diễm Nhi thi đậu vào Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, gánh nặng càng đè lên vai mẹ Như. Để có tiền đóng học phí, mẹ em cùng vài người trong xóm lên Đắk Lắk chặt mía thuê, rồi vào TP Hồ Chí Minh giúp việc nhà. Ở nhà, Như vừa đi học, vừa lo cơm nước, chăm sóc bà ngoại đã hơn 80 tuổi. Thương mẹ khó nhọc nên Như sống giản dị, không đua đòi. Tiền làm thuê của mẹ gửi về mỗi tháng vài trăm ngàn đồng, Như chi tiêu dè xẻn. Suốt những năm học phổ thông, em tận dụng sách giáo khoa và quần áo cũ của chị gái. Suốt 12 năm liền, Như luôn là học sinh khá giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Từ nhỏ, Như nuôi ước mơ gắn bó với ngành Y để có thể chữa bệnh cho người thân. Vì vậy, em luôn nỗ lực học ngày học đêm. Bà ngoại Như, bà Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Như ham học lắm. Nhiều hôm nó đi học về, gặp lúc mưa gió, ướt nhẹp, nhưng thay đồ xong lại ngồi vào bàn học tiếp. Nó nói nhà khổ quá nên phải ráng học để có cái nghề ổn định, mai sau còn nuôi bà và mẹ”.
Nhờ không ngừng nỗ lực, tháng 8 vừa qua, Như xuất sắc thi được 20 điểm, đậu vào ngành Điều dưỡng hộ sinh, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Để tiết kiệm chi tiêu, ba mẹ con Như và hai cháu gái nữa cùng thuê một căn phòng trọ nhỏ. Mẹ Như đi giúp việc, còn hai chị em một buổi đi học, buổi còn lại đi làm thêm. Thấy lịch học của Như khá dày nên chị gái khuyên em tập trung cho việc học, còn bản thân tối nào cũng đi làm thêm để có tiền phụ trả mấy chục triệu đồng phẫu thuật cho mẹ trước đây. Như bộc bạch: “Mẹ và chị gái lúc nào cũng lo nghĩ và dành mọi điều kiện tốt nhất cho em. Vì vậy, em sẽ cố gắng học để trở thành một điều dưỡng giỏi, từ đó có thể lo cho gia đình”.
Ông Phan Đắc Hoan, Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, nhận xét: “Như là một nữ sinh giàu nghị lực, luôn hòa đồng với mọi người. Em có ý chí, có quyết tâm học giỏi để thoát nghèo, tin rằng em sẽ còn vươn xa trên con đường tri thức”.
KHÁNH HÀ