Thứ Tư, 09/10/2024 01:31 SA
Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước (*)
Thứ Ba, 23/12/2014 07:52 SA

Sáng nay (22/12), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2014) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) do Đảng, Nhà nước truy tặng cho một số cá nhân, nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, “quyết chiến, quyết thắng” những năm tháng hào hùng và oanh liệt, những chiến công vang dội, những gương của quân đội ta qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Đồng chí Đào Tấn Lộc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: M.KÝ

 

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta vô cùng xúc động tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân nhân, đã suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá đó là tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng và đạo đức của Người cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ mãi mãi tỏa sáng, mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta.

 

Chúng ta thành kính tưởng nhớ đến các vị lãnh đạo tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

 

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD) được Bộ Chính trị xác định là một trong những hoạt động chính trị lớn trong 2 năm (2014-2015), nhằm biểu dương những thành tựu to lớn của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, là một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa - tinh thần sâu rộng, cổ vũ phong trào hành động cách mạng trong cả nước, từng địa phương, đơn vị trong việc xây dựng thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, động viên mọi người nâng cao lòng tự hào, xác định trách nhiệm, vượt qua gian khổ, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng, đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, xây dựng quê hương Phú Yên giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng- an ninh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QĐND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Ngay từ khi ra đời vào ngày 3/2/1930, Đảng ta đã khẳng định “con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và tất yếu phải tổ chức LLVT để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng”. Trước yêu cầu đó, cuối tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về Hà Quảng, Cao Bằng, sau khi phân tích tình hình cách mạng ở trong nước, Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất, cùng với những vũ khí tốt nhất, để thành lập “Đội quân Giải phóng”.

 

Theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với 34 đồng chí, chia thành 3 tiểu đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi lễ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Bác “trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng lợi”, ngày 24/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra quân đánh thắng trận đầu tiên diệt đồn Phai Khắt. Tiếp đó ngày 26/12/1944, tiêu diệt đồn Nà Ngần. Đây là 2 trận thắng đầu tiên, mở đầu truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng của QĐND Việt Nam.

 

Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các LLVT cả nước, xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Ngày 15/5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ cử giữ chức vụ Tư lệnh các LLVT thống nhất, mang tên “Việt Nam giải phóng quân”.

 

Trong 15 ngày cuối tháng 8/1945, trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình thế giới và tình hình cách mạng trong nước, Đảng ta đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Việt Nam giải phóng quân” được đổi tên thành “Vệ quốc quân”. Năm 1946, “Vệ quốc quân” đổi tên thành “Quân đội Quốc gia Việt Nam”. Năm 1950, “Quân đội Quốc gia Việt Nam” đổi tên thành “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được lấy làm ngày thành lập QĐND Việt Nam.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, chồng chất khó khăn; hàng triệu người chết đói, số đông nhân dân mù chữ. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng vào giải giáp vũ khí phát xít Nhật. Ở miền Nam, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Nam Bộ. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến sĩ, đồng bào trong cả nước đã hăng hái tham gia kháng chiến lập nên những chiến thắng vang dội như: Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, Biên Giới 1950, Đông Xuân 1953-1954, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn trong cả nước. Và sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ…

 

Sau năm 1954, miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng bước vào thời kỳ xây chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, đã tạo ra những chuyển biến lo lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, là chỗ dựa và hậu phương lớn của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Ở miền Nam, Mỹ hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, tổ chức “tố cộng”, “diệt cộng”, hô hào “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”. Chúng đưa ra “Luật 10/59”, đàn áp đẫm máu những người yêu nước và những người kháng chiến. Trước sự dã man, tàn ác của địch, hàng loạt nơi đã nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ và Khu 5. Từ phong trào đồng khởi, LLVT và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

 

Trải qua các chiến lược chiến tranh của Mỹ, từ “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, đến “Việt Nam hóa chiến tranh”, cách mạng miền Nam đã vượt qua các giai đoạn khó khăn, củng cố và thành lập được chính quyền cách mạng, phát triển mạnh LLVT; từ thế bị động chuyển hẳn sang thế tiến công, cùng với hậu phương miền Bắc lập nên nhiều kỳ tích anh hùng. Thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán 4 bên tại Paris.

 

Đầu năm 1972, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ 2 bằng B52 của Mỹ, bắn rơi hơn 600 máy bay, trong đó có chiếc thứ 4.000 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

 

Thắng lợi to lớn của quân và dân trên cả hai miền Nam - Bắc, buộc Mỹ phải ký kết “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào ngày 27/1/1973, cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.

 

Sau giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, trong đó có tỉnh Phú Yên, ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực của QĐND Việt Nam đột kích thọc sâu, kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành, 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

 

Bước vào giai đoạn mới, trong lúc cả dân tộc đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển đất nước, các thế lực phản động lại buộc chúng ta phải tiếp tục cầm súng chiến đấu.

 

Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh thắng 2 cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia. Thắng lợi của quân và dân ta trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu biên giới một lần nữa khẳng định bản chất cách mạng và ý chí quyết chiến, quyết thắng trước bất cứ kẻ thù nào của QĐND Việt Nam.

 

Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, QĐND Việt Nam đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng kinh tế trên các địa bàn chiến lược, giữ vững trên toàn tuyến biên giới; tham gia phòng chống thiên tai, bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân. Trong nhiệm vụ xây dựng thế trận QPTD, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, QĐND Việt Nam đã giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo; ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững ổn định chính trị đất nước.

 

Từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội QPTD cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Qua 25 năm thực hiện chủ trương này, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, an ninh nhân dân được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra; hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới, thế trận QPTD, an ninh nhân dân được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn, vững chắc; LLVT mà nòng cốt là QĐND có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, được sự giúp đỡ tận tình của các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân cả nước, QĐND Việt Nam vừa xây dựng vừa chiến đấu và trưởng thành xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng đã kết tinh thành giá trị và biểu tượng cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống đó mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân ta, quân đội ta. Do đó, mỗi chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang đó lên tầm cao mới, trong điều kiện mới của cách mạng nước ta hiện nay.

 

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội QPTD hôm nay, chúng ta không thể không nói đến những chiến công, những bước trưởng thành của LLVT tỉnh nhà, đã góp phần xứng đáng vào trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam, vào những chiến công chung của QĐND Việt Nam anh hùng. Những chiến công đó có sự đóng góp của biết bao đồng chí, đồng bào, của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã hy sinh, trong đó có sự đóng góp của các đồng chí có mặt hôm nay.

 

Ngay từ khi mới thành lập (12/6/1945), LLVT tỉnh đã làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, cùng với toàn dân nổi dậy cướp chính quyền thành công vào ngày 19/8/1945, lật đổ chính quyền phản động, thiết lập chính quyền nhân dân trong toàn tỉnh. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, với những năm tháng chiến đấu cực kỳ gian khổ, quyết liệt với kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy, trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, các LLVT của tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, vận dụng nhuần nhuyễn các loại hình chiến đấu và các hình thức chiến thuật, vừa chiến đấu vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quân và dân Phú Yên bước vào thời kỳ khôi phục sau chiến tranh, xây dựng quê hương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, các LLVT tỉnh Phú Yên đã phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, không sợ hy sinh, gian khổ, vừa tham gia khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia và Lào.

 

Đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, LLVT Phú Yên luôn kiên định lập trường tư tưởng, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh và điều kiện thực tiễn của tỉnh nhà, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng và an ninh.

 

Nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân từng bước được củng cố; các tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh Phú Yên ngày càng được tăng cường theo hướng “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, nâng cao sức đề kháng, khả năng phòng thủ của tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

LLVT tỉnh thường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, diễn tập của Quân khu và Bộ Quốc phòng, các cuộc diễn tập vận hành cơ chế theo Nghị quyết 02, Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả thiết thực. Các tổ chức đảng trong LLVT tỉnh luôn được chăm lo xây dựng, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng chính trị ở cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống thiên tai, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Bước vào thời kỳ mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là việc Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động bằng những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào nội bộ nước ta, đòi hỏi toàn quân, toàn dân tỉnh ta phải luôn nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

 

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng trong tình hình mới. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với mọi hoạt động của LLVT tỉnh. Đảng ủy và Bộ CHQS tỉnh phải tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng nền QPTD, xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, xây dựng LLVT tỉnh “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, trước mắt cần tập trung lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong LLVT sắp đến.

 

Chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý các tình huống không để địch tạo cớ can thiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Không ngừng chăm lo nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; tổ chức huấn luyện bộ đội vừa giỏi tác chiến bằng vũ khí trang bị hiện có và trang bị hiện đại khi được tăng cường, giỏi tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Xây dựng lực lượng dự bị động viên có đủ số lượng và chất lượng, sẵn sàng động viên mở rộng khi cần. Xây dựng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ.

 

LLVT tỉnh cần tiếp tục phát huy bản chất truyền thống quân đội của dân, do dân và vì dân, chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

 

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QDND Việt Nam, 25 năm Ngày hội QPTD là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, những chiến công oanh liệt của LLVT và nhân dân ta. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

----------------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek