Hơn 7 năm qua, thầy giáo Nguyễn Bảo Toàn (Trường THPT Lê Trung Kiên, huyện Đông Hòa) đã giúp đỡ hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Với những việc làm thầm lặng của mình, thầy đã góp phần lan tỏa lòng nhân ái đến nhiều giáo viên và học sinh.
THƯƠNG HỌC TRÒ NHƯ CON
Sau khi kết thúc tiết dạy cuối ở trường, thầy Nguyễn Bảo Toàn liền tất tả đội mưa chạy xe vào Hòa Xuân Đông để xác minh một hoàn cảnh học trò khó khăn cần giúp đỡ. Mặc dù đã nghe về gia cảnh của em Trần Thị Ngọc Như, lớp 11A3, nhưng khi đến nhà, chứng kiến cảnh Như bón cơm cho người cha bị liệt nằm một chỗ, thầy Toàn không cầm được nước mắt. Thầy cho biết: “Cách đây 6 năm, ba Như bị tai nạn, nằm một chỗ. Nhà có 5 người con, mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào số tiền công xếp vàng mã thuê ít ỏi của mẹ em. Cuộc sống vất vả, nhiều lần Như định nghỉ học đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Thương gia cảnh nghèo khó của Như, tôi tự hứa với lòng sẽ tìm nguồn học bổng hỗ trợ em tiếp tục đến trường”.
Với nhiệt huyết và lòng quyết tâm, thầy Toàn đã tìm được những suất học bổng hỗ trợ cho Như và nhiều học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, hàng trăm suất học bổng như vậy đã được thầy Toàn cùng Ban giám hiệu, Hội Cựu học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên trao đến tay học sinh nghèo. Hơn 13 năm làm nghề giáo, chứng kiến nhiều hoàn cảnh học sinh hiếu học phải bỏ học giữa chừng do nghèo khó, người thầy giáo trẻ này lại đến tận nhà vận động và hỗ trợ các em. Để giữ lớp không “mất học trò”, vào đầu năm học, thầy thường trao các suất học bổng, giúp các em tiền sách, vở, quần áo… Hàng trăm tiết học miễn phí được thầy tổ chức. Bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho học trò, thầy còn thiết lập nhiều mối quan hệ với các nhà hảo tâm. Mỗi năm, các nhà tài trợ vẫn thường xuyên về trường thông qua kênh liên lạc của thầy Toàn để trao tận tay cho học sinh nghèo hàng trăm triệu đồng nhằm ngăn dòng bỏ học.
Thầy Toàn không nhớ mình đã cưu mang, giúp đỡ bao nhiêu học sinh. Nhưng thầy nhớ nhất là trường hợp của cô học trò mồ côi cha Nguyễn Thị Kim Tú. Thầy chia sẻ: “Ba Tú mất sau một vụ tai nạn lao động, để lại 4 đứa con nheo nhóc. Hằng ngày, mấy mẹ con em đến xưởng bốc vỏ hạt điều thuê. Thấy gia cảnh nghèo khó của Tú, tôi đã cho em tiền và vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ em. Bây giờ, Tú là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Phú Yên”. Hay câu chuyện về em Trương Thị Hằng. Nếu như không có thầy Toàn vận động cựu học sinh, các tổ chức xã hội hỗ trợ, giờ này có lẽ Hằng đã bị bệnh tật và nghèo khó đánh gục. Nói về thầy Toàn, Hằng chia sẻ: “Thầy như người cha thứ hai của em và nhiều bạn khác. Nếu như không được thầy giúp đỡ, em đã không thể kéo dài sự sống đến ngày hôm nay”.
LAN TỎA TÌNH NGƯỜI ĐẾN HỌC TRÒ
Không chỉ làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện, thầy Toàn còn nổi tiếng là một giáo viên giỏi, có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử. Không nhồi nhét kiến thức, trong mỗi bài giảng, thầy luôn đưa ra những liên hệ gần gũi cho học sinh thảo luận về các sự kiện hiện tại. Thầy còn lồng ghép những câu chuyện sinh động, phim tư liệu, dạy trực quan bằng giáo án điện tử để thu hút học trò. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của thầy Toàn được hội đồng sư phạm trường và ngành đánh giá cao. Nhờ vậy, nhiều năm liền, thầy Toàn được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2010, hai lần được UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Thầy Toàn chia sẻ: “Nhìn thấy học trò trưởng thành, tôi càng có thêm động lực để gắn bó với nghề. Chỉ cần còn đứng trên bục giảng, tôi sẽ tiếp tục tìm và giúp đỡ các em khó khăn đến trường”.
Thầy Phạm An, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên, nhận xét: “Thầy Toàn là một giáo viên vững chuyên môn, có nhiều đóng góp trong hoạt động dạy học và đoàn thể của trường. Với tấm lòng nhân ái, thầy đã vận động, kết nối các thế hệ thầy trò, mạnh thường quân giúp đỡ hàng trăm lượt học sinh có hoàn cảnh khốn khó đến lớp. Không chỉ dạy kiến thức, thầy Toàn còn dạy các em về lòng nhân ái và là tấm gương lan tỏa về tinh thần hết lòng vì học sinh thương yêu”.
HÀ MY