Hiện tượng nói “ngoài luồng”, rỉ tai nhau về những điều thiếu tính xây dựng nhưng vào các cuộc họp thì không ai muốn phát biểu hoặc có nói cũng thiếu trọng tâm có vẻ như khá phổ biến ở một số cơ quan, ban ngành. Điều này ít được quan tâm chấn chỉnh kịp thời vì nhiều người vẫn cho rằng: Ai nói cứ nói, ai làm cứ làm, mình chẳng việc gì phải “mở khẩu” cho rắc rối, chỉ tội hại thân. Những suy nghĩ như vậy đã phần nào làm giảm tinh thần đấu tranh xây dựng trong các cuộc họp, sinh hoạt nội bộ ở các đơn vị. Và nếu trở thành thói quen, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Bước ra khỏi phòng họp của UBND xã hôm ấy, ai cũng hớn hở vui vẻ. Riêng anh H, Trưởng thôn X có vẻ không vui. Thấy vậy, tôi đến bắt tay, hỏi nhỏ: Sao hôm nay anh coi bộ buồn buồn? Anh H trả lời nhát gừng: Kiểu này thì “xây” sao nổi!
Rồi anh cho biết: Hôm nay, xã họp toàn thể cán bộ chủ chốt để bàn các giải pháp xây dựng xã đạt danh hiệu văn hóa, có mời đại diện lãnh đạo của huyện về dự. Thế mà không ai chịu phát biểu cho đàng hoàng gì cả.
- Hồi nãy ngồi phòng bên, tôi nghe có nhiều ý kiến lắm mà?
Anh H giải thích: Thì đại loại toàn là những ý kiến theo kiểu: Tôi đồng ý với đánh giá trong báo cáo, cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ trì… Chưa thấy ý kiến nào nêu được những thực trạng khó khăn của xã để tìm giải pháp tháo gỡ. Rồi anh đưa một loạt ví dụ như: Hầu hết các thôn chưa có nhà văn hóa, dân còn vứt rác bừa bãi, các khu đất trống chưa được xây dựng, quy hoạch để tạo sân chơi cho trẻ em, họp chợ còn lấn ra ngoài đường, tình hình uống rượu bia, say xỉn còn nhiều, việc hát nhạc sống tràn lan khiến bà con kêu ca nhiều…
Ngẫm nghĩ tôi thấy những điều anh H lo lắng, băn khoăn là có thật. Không chỉ ở một nơi như xã anh mà hiện tượng “nói leo, nói theo” để làm vừa lòng cấp trên như anh vừa kể đã xuất hiện không ít trong các cơ quan, đơn vị hiện nay. Ở nhiều cuộc họp, hội nghị, đa phần các ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo, chương trình của lãnh đạo. Còn các phát biểu phản biện, đề xuất giải pháp cụ thể, thực tiễn… thì hầu như rất ít, nhất là về những vấn đề dân sinh bức xúc mà nhiều người dân quan tâm.
Đến đây, tôi chợt nhớ lần về công tác ở phường nọ để tìm các mô hình tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tôi được bí thư đảng ủy phường cho biết là hiện đang phát động thực hiện mô hình “Tham gia, tích cực phát biểu đúng đắn, xây dựng trong các cuộc họp”. Tôi tưởng mình nghe nhầm, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, vị cán bộ này vẫn khẳng định như thế. Anh phân tích: Hiện nay ở các nơi đều có hiện tượng nói “ngoài luồng” thì nhiều nhưng vào trong các cuộc họp chính thức thì hiếm người nêu ý kiến, nếu có thì cũng thường bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trì hay ca ngợi nhau là chính… Vì vậy, phường anh phát động thực hiện mô hình này là để chấn chỉnh tình trạng trên. Đồng thời phát huy được quy chế dân chủ mà cốt lõi vẫn là nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Nếu cách làm này được phổ biến rộng rãi ở các cấp, các ngành thì việc gì khó đến mấy, “ì xèo” cỡ nào trong thực tế ở cơ sở cũng có biện pháp, cách giải quyết, tháo gỡ thành công!
NHÂN VĂN