Làm kinh tế giỏi lại nhiệt tình với công tác chung của địa phương, Lê Mo Loan, người dân tộc Chăm H’roi, Trưởng thôn Tân Tiến (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) được người dân trong thôn tin tưởng, làm theo. Ghi nhận những đóng góp của Lê Mo Loan, UBND huyện Sơn Hòa đã trao giấy khen cho ông tại Đại hội Dân tộc thiểu số huyện lần 2, giai đoạn 2009-2014.
Lê Mo Loan tưới nước cho đường bê tông thôn thêm chắc chắn trước khi đưa vào sử dụng - Ảnh: M.DUYÊN |
Cũng chỉ từ cây mía, sắn và con bò lai nhưng nhờ chăm chỉ phát triển sản xuất cộng với tích lũy, Lê Mo Loan đã xây được nhà ngói khang trang trị giá 400 triệu đồng cùng nhiều vật dụng hiện đại phục vụ sinh hoạt gia đình. Trên diện tích 7ha đất nông nghiệp của gia đình, ông trồng mía, sắn kết hợp với trồng keo. Trong đó, 2ha sắn cho sản lượng trung bình 15 tấn/ha, cho lãi 50 triệu đồng/năm; mía 3ha, đạt sản lượng bình quân 45 tấn/ha, cho doanh thu 100 triệu đồng/vụ; diện tích còn lại trồng keo cũng cho thu nhập 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có đàn bò 12 con, giá trị kinh tế hơn 200 triệu đồng.
Là trưởng thôn, Lê Mo Loan luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm theo. Trong 2 năm qua, cùng với chính quyền xã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông đã kiên trì vận động người dân và gương mẫu đi đầu trong công tác này. Đến nay, 90% đường giao thông trong thôn được bê tông, phục vụ đi lại, chuyên chở nông sản cũng như việc tới trường của các cháu được thuận lợi. Lê Mo Loan tâm sự: Người dân ai cũng hiểu rằng có đường bê tông thì thuận lợi nhiều, giúp ích cho phát triển kinh tế. Nhưng không phải vì thế mà khi vừa có chủ trương thì ai cũng nhất trí góp công, góp của để làm. Cái khó của thôn Tân Tiến là nhiều hộ còn nặng tư tưởng ỷ lại, còn trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, vì vậy thời gian đầu việc vận động gặp rất nhiều khó khăn. Để bà con hiểu, đồng thuận làm, cá nhân tôi phải làm gương trước. Đó là hiến 100m2 đất ở của gia đình để đặt cống nằm trên tuyến đường bê tông liên thôn. Trong công việc chung, tôi phối hợp với chính quyền xã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến người dân. Khi người dân đồng thuận, tôi trực tiếp đứng ra phân công công việc. Cả thôn chia làm 4 tổ lao động, mỗi tổ 10 người, mỗi người góp 2 ngày công/tháng. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã đóng góp gần 44 triệu đồng và 530 ngày công (tương đương 530 triệu đồng) để làm đường giao thôn.
Ông La Văn Minh, cán bộ địa chính xã Sơn Hội, cho biết: Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới toàn xã, Tân Tiến tuy là thôn có 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đã hưởng ứng tích cực, hoàn thành tiến độ theo kế hoạch đề ra. Có được kết quả này là nhờ vào uy tín và khả năng tập hợp của Trưởng thôn Lê Mo Loan. Không chỉ tới từng nhà người dân vận động, ông còn trực tiếp tham gia góp công, góp của. Nếu mỗi người dân chỉ làm 2 ngày công/tháng thì cá nhân anh Loan ngày nào cũng phải có mặt để vừa đôn đốc công việc, vừa trực tiếp lao động.
Để thôn Tân Tiến có cơ sở hạ tầng cơ bản ổn định, ngoài xây dựng đường bê tông nông thôn, Lê Mo Loan còn vận động bà con chung sức xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. “Từ nguồn kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở của xã, tôi chủ động vận động người dân hiến đất xây nhà văn hóa. Để các hộ hiến đất không phải chịu thiệt thòi, tôi đã vận động các nhà khác trong thôn góp tiền bù lại một phần để các hộ này có kinh tế đầu tư cho sản xuất”, ông chia sẻ thêm.
Ông Lương Văn Lách, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa cho biết: Chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế hộ và nhiệt tình tham gia công tác xã hội, Lê Mo Loan trở thành trưởng thôn uy tín của thôn Tân Tiến. Trên cương vị của mình, ông đã góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội trong thôn phát triển; từ một thôn đặc biệt khó khăn, đến nay đời sống của đồng bào Chăm H’roi ở thôn Tân Tiến được nâng lên với số hộ nghèo chiếm tỉ lệ thấp và giảm dần hàng năm.
MINH DUYÊN