Đó là Hoàng Văn Dương, sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Dương là 1 trong 23 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trong học tập vừa được nhà trường trao học bổng tại lễ khai giảng năm học mới.
Hoàng Văn Dương - Ảnh: T.HẰNG |
Mẹ mất lúc Hoàng Văn Dương đang học lớp 12, ba lại nay đau mai ốm nên sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai dân tộc Tày này chọn trường nghề để học tập. Dương cho biết: Qua tìm hiểu, em được biết cơ khí ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên phát triển trong chiến lược công nghiệp hóa hiện nay. Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô cùng với lượng tiêu thụ ô tô tăng nhanh. Chính vì thế, nhu cầu lao động của ngành này sẽ cần nhiều trong thời gian tới. Xác định được điều này, em tự tin đăng ký vào học ngành Công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên.
Đầu vào của học sinh, sinh viên trường nghề là chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT là có thể đăng ký theo học chuyên ngành Công nghệ ô tô, thời gian học từ 2 đến 3 năm cho hệ trung cấp và cao đẳng. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp THPT, từ xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), Dương đến TP Tuy Hòa học tập. Xa gia đình, mọi việc đều phải tự lo nhưng 2 năm học qua Dương đều đạt học sinh khá. Ngày cuối tuần, Dương còn tranh thủ về nhà phụ các anh chị trồng sắn, chăm sóc cây cà phê. Nhận được suất học bổng 2 triệu đồng ngay từ đầu năm học, Dương rất mừng vì gia đình không phải lo tiền học phí của học kỳ này.
Ông Hoàng Văn Tuyên - ba Dương nói: “Gia đình tôi từ Lạng Sơn vào xã Ea Ly lập nghiệp vào năm 1991. Cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng Dương không bao giờ có ý định bỏ học. Mẹ mất, tôi lại hay đau bệnh nên cháu nó không đi thi đại học như các bạn mà chọn học nghề. Dương là đứa con ngoan, biết nghĩ nên tôi luôn động viên con rằng “ruộng bề bề không bằng có cái nghề trong tay”. Tôi hy vọng cháu nó sẽ học tốt với nghề đã chọn”.
Trong thời gian qua, hầu hết sinh viên ngành Công nghệ ô tô của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, công ty tuyển dụng. Đây là động lực để những sinh viên nghèo đang theo học nghề này như Dương không ngừng phấn đấu trong học tập, rèn luyện. Dương thổ lộ: “Để làm tốt bất cứ việc gì cũng cần sự yêu thích, đam mê. Từ lúc nhỏ, em rất thích ô tô nên hay tự mở tung chiếc xe đồ chơi chỉ để xem bên trong nó là gì. Em hy vọng mình sẽ là một thợ sửa ô tô giỏi sau này”. Dương ấp ủ, một ngày nào đó, khi đã chín về chuyên môn và kinh nghiệm, em có thể dùng những kiến thức của mình để xây dựng cơ ngơi riêng bằng một tiệm sửa chữa xe.
Chia sẻ về sự lựa chọn học nghề của Dương, thạc sĩ Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng - ngôi trường Dương đã theo học cấp THPT - bày tỏ: “Những năm gần đây, học sinh của trường chọn học nghề khá đông. Hầu như học sinh nào tốt nghiệp trường nghề đều có việc làm ổn định. Đây là sự lựa chọn đúng đắn đối với năng lực học tập của học sinh dân tộc thiểu số nói riêng, học sinh xã vùng cao Ea Ly nói chung”.
Còn thạc sĩ Trần Khắc Lễ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Phương châm đào tạo của trường là “chuyên sâu về lý thuyết, nặng về thực hành”; trường luôn tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại nhất. Giáo án, phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật, đổi mới phù hợp thực tế sản xuất của doanh nghiệp giúp các em dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới và tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định sau khi ra trường.
MẠNH THÚY