Trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như trong đời sống xã hội, Mặt trận Tổ quốc có vai trò rất quan trọng trong củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội; làm thắt chặt mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lương Mộng Sanh phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc Khu dân cư Long An - Ảnh: T.BÍCH |
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của đất nước, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Một là, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để phát huy vai trò này, Mặt trận với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề nhân dân bức xúc để kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết kịp thời. Không những phản ánh mà Mặt trận còn kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những biện pháp giải quyết. Vai trò của Mặt trận còn được thể hiện qua việc chủ trì, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo luật, các chủ trương, chính sách trước khi ban hành. Cụ thể, Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức 92 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có 8.758 người dự với 1.268 ý kiến góp ý và 24 văn bản góp ý; hơn 12 hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 1.163 người dự với 333 ý kiến góp ý và 22 văn bản góp ý. Rõ ràng thông qua những hoạt động này, Mặt trận đã thể hiện được vai trò của mình trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, tạo nên cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng mật thiết hơn.
Hai là, tạo lập sự đồng thuận xã hội về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự đồng thuận trong nhận thức thì khó có thể có sự đồng thuận trong hành động để thực hiện những mục tiêu chung đã đặt ra. Nếu nhân dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách thì họ sẽ quyết tâm thực hiện và ngược lại. Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền cho đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về các dự án luật như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ… Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các dự án luật, đã nâng cao sự hiểu biết trong nhân dân, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ba là, Mặt trận tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa to lớn, đó là góp phần mở rộng việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng củng cố và tăng cường, tạo nên sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong mỗi địa bàn dân cư để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã khơi dậy và phát huy được tính tích cực, ý thức tự quản của nhân dân để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo… Kết quả đến nay có hơn 444 khu dân cư được công nhận Khu dân cư văn hóa, hơn 205.925 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, có 1 xã đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, triển khai 29 điểm về mô hình khu dân cư tự quản và bảo vệ môi trường.
Bốn là, phát huy dân chủ, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Vai trò này của Mặt trận thể hiện thông qua các hoạt động: phối hợp với chính quyền để tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác tiếp xúc cử tri được Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức đúng quy định của pháp luật, giúp đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để xây dựng luật pháp, nghị quyết ngày càng khả thi, kết quả từ 2009 đến 2013 đã tổ chức 34 lần tiếp xúc cử tri tại 1.330 điểm với hơn 95.000 lượt người tham dự và hàng nghìn lượt ý kiến phát biểu... Thông qua những hoạt động này, Mặt trận đã góp phần tích cực vào quá trình dân chủ hóa, làm cho những tiêu chí của dân chủ ngày càng trở thành hiện thực.
Năm là, tham gia công tác hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần làm hạn chế những mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ nhân dân. Thực hiện tốt công tác hòa giải, góp phần quan trọng trong việc xây dựng tình đoàn kết xóm giềng, xóa bỏ những mặc cảm hiềm khích, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Xây dựng sự đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi tổ chức có những phương thức thực hiện khác nhau. Với vị trí, chức năng của mình trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phải tích cực tham gia và có đủ điều kiện để tham gia xây dựng sự đồng thuận trong xã hội. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tạo lập sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đối với quá trình hoạch định những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và xây dựng sự đồng thuận để thực hiện những mục tiêu của tỉnh đề ra.
Thạc sĩ NguyễnTrọng Cảnh
(Trường Chính trị Phú Yên)