Ở đời ai cũng trọng chữ “tài” và có lúc nào đó lại coi nhẹ chữ “tâm”. Nhưng suy cho cùng thì chữ “tài” và chữ “tâm” cũng nên được hiểu một cách đầy đủ và thấu tình đạt lý. Câu chuyện của em tôi là một ví dụ.
Em gái tôi công tác ở một cơ quan chuyên về nghiên cứu khoa học. Vốn rất ít nói, nhưng không hiểu sao trong bữa cơm trưa hôm rồi, em tôi “khoe” chuyện nhiều người trong cơ quan chuẩn bị đi Hà Nội để nhận giải thưởng về đề tài sáng kiến cải tiến cấp Trung ương, dĩ nhiên trong đó có em; rồi còn đưa ra nhiều ý tưởng sắp tới sẽ trình lãnh đạo đăng ký tiếp đề tài mới. Chỉ là như vậy cũng không có gì đáng nói, điều làm nhiều người chú ý bàn luận bởi vì câu chuyện hôm nay trái với câu chuyện của em cách đây hơn 1 năm. Số là, hôm đó em không vui như bây giờ mà buồn bã thông báo về chuyện cơ quan có một ông vừa được trên điều về thay cho thủ trưởng cũ nghỉ hưu. Hồi đó, em tôi buồn vì ông này hơi “non” về chuyên môn so với nhiều người trong cơ quan nhưng lại được giữ cương vị cao nhất! Cậu em út nói : Chắc là ông ta “chạy” giỏi!
Ba tôi là người có nhiều kinh nghiệm, thủng thẳng nói:
- Cứ chờ một thời gian rồi mới biết người ta giỏi, kém như thế nào. Không nên kết luận vội.
Nghe ba nói như vậy, em gái tôi phụng phịu bảo: Cơ quan con nhiều người đã làm đơn xin chuyển công tác, con cũng đang tính đây ba ơi. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi không còn nghe em nhắc đến chuyện đó nữa. Qua tìm hiểu, điều mà ba tôi nói là đúng. Thủ trưởng mới của em, tuy có non về nghiệp vụ chuyên môn nhưng lại giỏi về quản lý. Nhất là ông ấy đã phát huy được sự công tâm, minh bạch. Từ ngày ông ấy về, trong cơ quan không còn chỗ cho sự kéo bè kết cánh. Đặc biệt, ông biết sử dụng người tài, đặt họ đúng vào từng vị trí để giao việc. Khi đã giao việc thì hoàn toàn tin tưởng, cùng với sự động viên khuyến khích kịp thời nên đã phát huy được năng lực thực thụ của cán bộ, công nhân viên và họ đã cống hiến hết mình cho cơ quan đơn vị. Vì thế công việc cứ chạy vèo vèo…
Thế mới biết, cái tâm của người lãnh đạo quan trọng như thế nào, nhất là người đứng đầu của một cơ quan. Đúng là “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
NHÂN VĂN