Thứ Năm, 21/11/2024 00:23 SA
Đồng chí Phan Ngọc Bích:
105 tuổi đời, 85 tuổi Đảng
Thứ Năm, 06/11/2014 07:42 SA

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh thăm đồng chí Phan Ngọc Bích tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Phú Yên - Ảnh: X.HIẾU

Sinh năm 1910, vào Đảng năm 1930, là lớp đảng viên Cộng sản - những “hạt giống đỏ” đầu tiên của Phú Yên, cụ là người duy nhất trong cả nước được nhận Huy hiệu 85 tuổi Đảng, tính đến thời điểm này và có lẽ sẽ không có người thứ hai. Cụ chính là lão đồng chí Phan Ngọc Bích (Việt Hồng).

 

THAM GIA GIEO MẦM “HẠT GIỐNG ĐỎ”

 

Mặc dù đã bước qua tuổi “bách tuế” từ nhiều năm nay nhưng khi nhắc lại những năm tháng tham gia cách mạng, cụ vẫn còn nhớ như in: “Tôi mồ côi cha từ năm lên 6, sau đó không lâu thì má đi biệt tích. Sống với ông bà nội và được học nghề hớt tóc, học vài con chữ. Năm tôi 18 tuổi thì ông bà lần lượt qua đời…”. Cụ Phan Ngọc Bích nhớ lại, vào thời điểm đó, thanh niên ở quê cụ rất thích và thường chuyền tay nhau đọc báo Tiếng Dân, một tờ báo do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Tờ báo này tạo cho người đọc, đặc biệt là lớp trẻ một lý tưởng cách mạng cháy bỏng. Khi Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời tại Phú Yên năm 1928, tổ chức Hưng nghiệp hội đã ra đời tại La Hai (huyện Đồng Xuân) nhằm tập hợp, giác ngộ thanh niên làm cách mạng. Vài ngày trước kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga, đồng chí Phan Lưu Thanh, thành viên của Hưng nghiệp hội La Hai, vào Sài Gòn học lái xe ô tô ở Trường cơ khí Chu Văn Hai và được kết nạp vào Đảng ở Chi bộ Thị Nghè. Đồng chí được tổ chức phân công về quê nhà hoạt động, trực tiếp dìu dắt và phân công thanh niên Phan Ngọc Bích vào phủ lỵ Tuy Hòa rải truyền đơn. “Ngay đêm đầu tiên ở phủ lỵ Tuy Hòa, trong vai người hớt tóc dạo, tôi mua vé vào xem cải lương rồi rải truyền đơn trong rạp hát, sau đó rải dọc theo các trụ đèn từ nhà hát đến chợ Tuy Hòa”, cụ kể. Việc làm này gây náo động, bọn thực dân Pháp đã huy động toàn bộ binh lính các đồn cảnh sát truy lùng kẻ nào đã dám cả gan làm chuyện “động trời” nhưng thất bại.

 

Đến ngày 5/10/1930, sau một thời gian thử thách và tiếp tục được sự bồi dưỡng của đồng chí Phan Lưu Thanh, thanh niên Phan Ngọc Bích vinh dự được kết nạp vào Đảng và tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên. “Hôm ấy, tại nhà đồng chí Phan Lưu Thanh ở thôn Đồng Bé, xã Xuân Long (nay là thị trấn La Hai), thừa ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Lưu Thanh đã đọc quyết định kết nạp tôi vào Đảng; đồng thời đọc Điều lệ Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Phú Yên gồm 9 đảng viên” - cụ Phan Ngọc Bích nhớ lại. Buổi lễ lịch sử này được tổ chức đúng vào ngày gia đình có giỗ để che mắt giặc, chi bộ đã thống nhất phân công nhiệm vụ cho từng người và đặt ra mục tiêu phát triển đảng viên, phấn đấu đến đầu năm 1931 thành lập Tỉnh đảng bộ Phú Yên.

 

Và đúng như kế hoạch, từ 9 “hạt giống đỏ” nòng cốt ban đầu, số lượng đảng viên ngày càng tăng dần. Từ một chi bộ phát triển lên 17 chi bộ với 78 đảng viên. Đến tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy.

 

THÀNH LẬP CHI BỘ NHẠN ĐÀ

 

Tháng 2/1931, đồng chí Phan Ngọc Bích được Xứ ủy Trung Kỳ điều ra công tác ở Phân ban Tuyên huấn Xứ ủy đóng ở Quy Nhơn (Bình Định), phụ trách công tác ấn loát (chủ yếu là in ấn tài liệu của Đảng và truyền đơn). Đến tháng 7/1931, Xứ ủy chủ trương biểu tình bạo động đồng thời ở cả 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào ngày 14/7 để tạo tiếng vang. Khởi nghĩa nổ ra ở Quảng Ngãi và Bình Định bị dìm trong biển máu, còn ở Phú Yên chưa kịp diễn ra thì hàng loạt đảng viên bị địch bắt. Phan Ngọc Bích may mắn thoát khỏi các cuộc ruồng bố khốc liệt của chúng. Sau khi bắt được liên lạc với đồng chí Phan Lưu Thanh từ nhà lao Sông Cầu, ông được giao nhiệm vụ vào Tuy Hòa tìm cách gầy dựng lại phong trào. Ban ngày, ông làm công cho một nhà may, ban đêm thuê xích lô để kéo và đã giác ngộ được một số anh em phu xe, công nhân ở nhà thương cùng đông đảo học sinh, tổ chức kết nạp họ vào Đảng và thành lập Chi bộ Nhạn Đà.

 

Sau khi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của đồng bằng Tuy Hòa, đồng chí Phan Ngọc Bích về báo cáo lại với lãnh đạo Tỉnh ủy ở Sông Cầu thì bị địch bắt. Dùng nhiều cách tra tấn dã man, nhưng không khai thác được gì nên cuối cùng bọn Pháp và tay sai phải giao đồng chí Phan Ngọc Bích lại cho lý trưởng địa phương quản chế tại xã.

 

Năm 1935, được ra tù, với kinh nghiệm thành lập Chi bộ Nhạn Đà, đồng chí Phan Ngọc Bích được giao nhiệm vụ làm công tác phát triển Đảng ở Nhà máy đường Đồng Bò, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở nhà máy này. Đồng chí cũng được giao trọng trách gầy dựng phong trào ở Sơn Hòa; làm Chủ nhiệm Việt Minh, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở huyện miền tây Phú Yên và chịu trách nhiệm quản lý phân xưởng chế tạo vũ khí tại đây.

 

NIỀM TỰ HÀO CỦA PHÚ YÊN

 

Năm 1954, đồng chí Phan Ngọc Bích tập kết ra Bắc, làm Trưởng ban Vận động cán bộ sản xuất thuộc Bộ Lao động. Sau đó, đồng chí xung phong vào Quảng Bình sản xuất, trở thành Phó giám đốc, Trưởng ban Tổ chức của Nông trường Lệ Ninh.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Phan Ngọc Bích nghỉ hưu và về lại quê hương Phú Yên, mua một căn nhà nhỏ ở gần cuối dòng sông Ba và sống thanh thản cho đến nay.

 

Suốt 85 năm kiên trung theo Đảng và cả cuộc đời tham gia cách mạng, đồng chí Phan Ngọc Bích luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đảng viên và không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến thanh danh của người đảng viên Cộng sản. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến Phú Yên đều đến thăm và chúc sức khỏe cụ. Đồng chí Phan Ngọc Bích là niềm tự hào của Phú Yên.

 

Những năm gần đây, vì tuổi cao, sức yếu, đồng chí được lãnh đạo tỉnh đưa đi an dưỡng tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Phú Yên. Mặc dù ở trong bệnh viện nhưng đồng chí luôn quan tâm và dõi theo từng bước phát triển của đất nước, nhất là của Phú Yên và quê hương “hạt giống đỏ” của mình; sẵn sàng góp ý kiến tâm huyết xây dựng Đảng, xây dựng quê hương đất nước. Theo đồng chí, lớp cán bộ, đảng viên ngày nay có điều kiện học tập, trau dồi kiến thức, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đa số cán bộ đương chức nhìn chung là tốt, tuy nhiên nếu kém tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì rất dễ bị sa ngã, không giữ được phẩm chất của người đảng viên Cộng sản. Cũng theo đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, cán bộ cần phải hết sức sâu sát, phải thật gần dân. Có như vậy, cán bộ mới hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của dân, cùng chia sẻ, đề ra và thực hiện các chủ trương của Đảng đúng với tinh thần “vì dân”. Dân tin yêu Đảng, Đảng lo cho dân, gắn bó với dân, đây là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay. Cội nguồn này phải luôn luôn được chăm chút, giữ gìn mới bảo đảm sự trường tồn, vĩnh cửu.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek