Thứ Ba, 26/11/2024 11:34 SA
Kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc
Thứ Bảy, 19/07/2014 09:10 SA

I. Bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn tới Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương

 

1. Bối cảnh quốc tế

 

Vào cuối năm 1953 và đầu 1954 khi chiến tranh lạnh đã đi đến đỉnh cao thì thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực. Biểu hiện rõ nhất của xu thế hòa hoãn này là các nước lớn Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đi đến triệu tập Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước tại Berlin tháng 2/1954 bàn về vấn đến Đức - Áo. Do bất đồng quá lớn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị tồn tại sau chiến tranh lạnh, hội nghị thất bại nên chuyển sang bàn vấn đề biển Đông. Ngày 18/2/1954, Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước ra tuyên bố cuối cùng, trong đó hội nghị sẽ xem xét vấn đề Đông Dương. Điều này đã mở ra một con đường mới cho khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Đông Dương thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.

 

Việc Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên ngày 27/3/1953 được ký kết, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp đã thúc đẩy việc khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng.

 

Trước tình hình thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu rõ lập trường, sẵn sàng thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam. Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng là giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam...”. Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Ngày 15/3/1954, báo cáo trước Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả 2 mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.

 

Thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

 

2. Tình hình trong nước

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết định. Từ năm 1952, quân và dân ta càng chiến đấu càng trưởng thành và lớn mạnh. Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân ta từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

 

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trải qua 3 đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 56 ngày đêm, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam; làm phá sản kế hoạch Navarre của địch; làm thất bại mưu đồ giành thế mạnh về quân sự hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng chủ hòa trong chính giới Pháp, đặc biệt trong Quốc hội Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ, tạo thế vững vàng cho đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ với thế thắng, thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp chiến trường Việt Nam.

 

II. Quá trình chuẩn bị tham gia và diễn biến Hội nghị Giơ-ne-vơ

 

1. Quá trình chuẩn bị tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 

Để tỏ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, tháng 3/1954, Hồ Chủ tịch và Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh để bàn với Ban lãnh đạo Trung Quốc về việc Việt Nam tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Sau đó, cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang Liên Xô họp cấp cao 3 nước Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam để bàn một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp được triệu tập. Qua cuộc họp này, chúng ta nhận thấy Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ Việt Nam tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ để đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương; đồng thời cũng hiểu rằng, cả 2 nước đều vì lợi ích của riêng họ mà thúc đẩy đi nhanh đến Hội nghị Giơ-ne-vơ, cả 2 đều muốn hòa hoãn với Mỹ và phương Tây làm dịu tình hình thế giới để xây dựng đất nước; cả 2 đều bộc lộ ý đồ ủng hộ giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương theo kiểu Triều Tiên, tức là một giải pháp chia cắt Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

 

Tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị thành lập đoàn đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Lúc đầu, Chính phủ chủ trương cử Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám dẫn đầu đoàn đàm phán nhưng khi cân nhắc yêu cầu và mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Tham gia còn có: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu, Đặng Tích và nhiều chuyên viên...

 

Để chuẩn bị tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho 2 đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc tìm hiểu các vấn đề liên quan có thể diễn ra tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và lập trường của Liên Xô và Trung Quốc về giải pháp; đồng thời lập một Ban công tác ở Bắc Kinh với nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị Giơ-ne-vơ.

 

2. Diễn biến Hội nghị Giơ-ne-vơ

 

- Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2/1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương, hội nghị khai mạc ngày 8/5/1954 và kết thúc vào ngày 21/7/1954.

 

- Thành phần tham dự hội nghị: Có 9 bên tham dự (không phải là 9 quốc gia): Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak tuy đã có mặt ở Giơ-ne-vơ cùng với đoàn ta nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự hội nghị.

 

- Các nước đến dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương có những lợi ích, chiến lược và với những mục tiêu khác nhau.

 

Liên Xô sau khi Stalin mất, Khơ-rut-sốp lên cầm quyền, chủ trương hòa hoãn với Mỹ và Tây Âu, làm dịu tình hình quốc tế. Liên Xô tập trung giải quyết vấn đề Berlin và nước Đức, đối phó với mối đe dọa của Mỹ và NATO, quan tâm đến châu Á có mức độ. Đo đó, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Liên Xô chỉ xử lý những vấn đề chung, tích cực đấu tranh bảo vệ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thúc đẩy để đạt được những thỏa thuận mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, tại hội nghị, Liên Xô tranh thủ Pháp trong các vấn đề châu Âu và vận động Pháp không tham gia cộng đồng Phòng thủ châu Âu (CDE) do Mỹ chủ xướng.

 

Trung Quốc đến hội nghị với mục tiêu hàng đầu là sớm đạt được một giải pháp hòa bình ở Đông Dương nhằm tránh mọi sự can thiệp của Mỹ, tránh quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương và đẩy chiến tranh xa biên giới bảo đảm an ninh phía nam Trung Quốc. Tại Giơ-ne-vơ, Trung Quốc còn có mục tiêu khác quan trọng hơn đó là bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu, trước hết là về kinh tế - thương mại và ngoại giao để phá bao vây, cấm vận của Mỹ, vào Liên Hợp Quốc, thúc đẩy giải quyết vấn đề Đài Loan.

 

Pháp được Anh ủng hộ, muốn đạt được một giải pháp đình chiến ít có hại nhất, làm sao không lập chính phủ liên hợp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt, trong khi hạn chế đến mức tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Pháp còn có 2 mục tiêu quan trọng là bảo toàn quân đội viễn chinh để tiếp tục giữ các thuộc địa còn lại, trấn an dư luận trong nước.

 

Anh muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, làm dịu tình hình căng thẳng ở Viễn Đông vì như vậy có lợi cho việc củng cố “Khối thịnh vượng chung” ở châu Á, nhất là trong lúc Anh phải đối phó với phong trào du kích ở Malaysia.

 

Mỹ chống Liên Xô quyết liệt ở châu Âu, bao vây cấm vận Trung Quốc ở châu Á. Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Mỹ luôn tìm cách phá hội nghị, chống bất cứ giải pháp nào nếu không cải thiện rõ rệt tương quan lực lượng quân sự có lợi cho Pháp nhằm tạo cho Pháp và phương Tây thế mạnh trên bàn đàm phán. Do phải tranh thủ Pháp tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu, Mỹ không thể ngăn cản Pháp đi vào giải pháp ở Đông Dương, không thể can thiệp trực tiếp vào Đông Dương vì Quốc hội Mỹ phản đối. Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Pháp không được thỏa hiệp quá mức hoặc ký hiệp định bất lợi cho ý đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương.

 

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết trên cơ sở lập trường cơ bản đó của Việt Nam. Thi hành các điều khoản quân sự, chính trị của Hiệp định Giơ-ne-vơ là nhằm củng cố hòa bình, miền Bắc vừa giành được độc lập cần phải có hòa bình để xây dựng đất nước. Hòa bình phải được bảo vệ trên toàn cõi Đông Dương.

 

Mặc dù đến hội nghị với mục tiêu và lợi ích khác nhau nhưng do tương quan lực lượng quốc tế lúc đó, hội nghị đã được các nước lớn chi phối. Hội nghị Giơ-ne-vơ trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn. Có thể chia hội nghị thành 3 giai đoạn:

 

* Giai đoạn 1 (từ 8/5/1954-19/6/1954):

 

- Ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, các đoàn trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

 

- Đoàn Pháp (Ngoại trưởng Bidault) phát biểu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam, được Mỹ ủng hộ.

 

- Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu yêu cầu phải có đại diện kháng chiến Lào và Campuchia tham dự. Ngày 10/5/1954, ông Phạm Văn Đồng phát biểu, đưa ra lập trường 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, giải quyết đồng thời cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Ông Phạm Văn Đồng nhấn mạnh, Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi ba nước Đông Dương là cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam.

 

- Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra 2 điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương.

 

- Trưởng đoàn Liên xô Bộ trưởng NG Mô-lô-tốp đề nghị lập Ủy ban giám sát quốc tế gồm các nước trung lập. Tại phiên họp lần thứ 4, ông Mô-lô-tốp đề nghị lấy 2 phương án của Pháp vàViệt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận.

 

Sau 4 phiên họp rộng, Chủ tịch hội nghị, Ngoại trưởng Anh Eden yêu cầu họp hẹp. Mô-lô-tốp đề nghị vấn đề quân sự, chính trị vàvấn đề 3 nước sẽ bàn song song. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô, Trung Quốc đồng ý. Anh vàPháp tán thành, Mỹ đành phải chấp nhận.

 

- Ngày 25/5/1954, trong phiên họp hẹp, ông Phạm Văn Đồng đưa ra 2 nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: (1) Ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương, (2) Điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn thuận lợi cho quản lý hành chính vàhoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới hội nghị xem xét và thông qua.

 

- Ngày 27/5/1954, đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận về đề nghị đại diện của 2 Bộ Tư lệnh gặp nhau ở Giơ-ne-vơ để nghiên cứu việc chia ranh giới những khu vực tập trung quân ở Đông Dương. Cùng ngày, đoàn Trung Quốc đưa ra 6 điểm về vấn đề quân sự như ngừng bắn hoàn toàn vàcùng một lúc ở 3 nước Đông Dương, thành lập Ủy ban kiểm soát quốc tế gồm các nước trung lập nhưng chưa đề cập tới mặt chính trị của giải pháp.

 

- Ngày 29/5/1954, sau 4 phiên họp toàn thể và8 phiên họp cấp Trưởng đoàn, Hội nghị Giơ-ne-vơ ra quyết định: (1) Ngừng bắn toàn diện và đồng thời, (2) Đại diện 2 Bộ Tư lệnh gặp nhau ở Giơ-ne-vơ để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

 

- Ngày 12/6/1954, Nội các Bidault bị Quốc hội Pháp đánh đổ. Ngày 29/6/1954, Chính phủ Mendes France lên cầm quyền, hứa với Quốc hội Pháp trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây làsự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.

 

* Giai đoạn 2 (từ 20/6/1954- 10/7/1954)

 

- Trong giai đoạn này, hầu hết Trưởng đoàn các nước về báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ở lại. Các quyền Trưởng đoàn tổ chức các cuộc họp hẹp và họp tiểu ban quân sự Việt - Pháp. Các cuộc họp chủ yếu bàn các vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh, đi lại giữa hai miền.

 

- Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai có cuộc gặp với Trưởng đoàn Chính phủ Phnôm Pênh và Chính phủ Viêng-chăn. Đặc biệt Chu Ân Lai gặp Thủ tướng Pháp Mendes France tại Berne ngày 23/6/1954 bàn một số vấn đề quan trọng trong đó 2 ông nhất trí vấn đề quan trọng nhất làvạch vĩ tuyến nào để chia cắt Việt Nam. Sau cuộc gặp Chu Ân Lai - Mendes France, vấn đề chia cắt Việt Nam là mục tiêu đàm phán của đoàn Pháp. Chauvel gặp Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu vấn đề chia cắt ở vĩ tuyến 19.

 

- Từ ngày 3-5/7/1954, tại Liễu Châu 9 (Trung Quốc), Hồ Chủ tịch gặp Chu Ân Lai để bàn về các vấn đề phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào và Campuchia. Hai bên chưa nhất trí về giới tuyến cụ thể: Ta muốn vĩ tuyến 16, Chu Ân Lai muốn vĩ tuyến 17; về thời hạn tổng tuyển cử: Ta nêu 6 tháng, Chu Ân Lai đề nghị 2 năm.

 

- Ngày 9/7/1954, tại cuộc họp tiểu ban quân sự, ta đề nghị vĩ tuyến 14 nhưng Pháp vẫn chủ trương vĩ tuyến 18. Hồ Chủ tịch điện cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Cho Pháp dùng Đường 9 và Đà Nẵng để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ lấy Liên khu 5.

 

- Ngày 10/7/1954, Chu Ân Lai điện khuyên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên nhượng bộ về vĩ tuyến, về Lào, về Ủy ban kiểm soát vàgiám sát quốc tế để sớm đi tới hiệp định.

 

Như vậy, các cuộc họp hẹp ở Giơ-ne-vơ trong giai đoạn này không có tiến triển gì đáng kể.

 

* Giai đoạn 3 (từ ngày 11-21/7/1954): Nối lại các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng

 

- 10 ngày cuối của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các Trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị.

 

- Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp đàm phán rất gay go về phân chia vĩ tuyến (đoàn ta nêu vĩ tuyến 16 vì ta muốn làm chủ đường 9 từ Savanakhet đi Quảng Trị làcon đường duy nhất cho Lào đi ra biển, đoàn Pháp nêu vĩ tuyến 18); về thời hạn tổ chức tổng tuyển cử và các điều khác của hiệp định, đặc biệt là hiệp định về Campuchia phải ký vào sáng 21/7/1954.

 

- Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc. Hội nghị thông qua các văn kiện.

 

III. Kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ và ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam 

 

Trải qua 75 ngày đàm phán gay go, căng thẳng, với 31 phiên họp, cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, cuối cùng các bên tham gia hội nghị, trừ Mỹ, đã thỏa thuận và ký kết được các văn bản.

 

Kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương không đáp ứng được tất cả các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra lúc ban đầu như phân chia giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề vùng tập kết của các lực lượng kháng chiến Lào Itsala và Khmer Itsarak… nhưng nó phản ánh được tương quan lực lượng giữa ta và đối phương trong hoàn cảnh lúc đó, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.

 

a. Các văn bản được ký kết tại hội nghị, gồm:

 

- Ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia;

 

- Một bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị;

 

- Hai bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp ngày 21/7/1954;

 

- Các công hàm trao đổi giữ Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và thủ tướng Pháp Mendes France.

 

b. Những thỏa thuận đã đạt được

 

* Thỏa thuận chung cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia

 

- Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân 3 nước Đông Dương: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước.

 

- Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.

 

- Pháp rút quân khỏi lãnh thổ 3 nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia.

 

- Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài.

 

- Tổng tuyển cử ở mỗi nước.

 

- Không trả thù những người hợp tác với đối phương.

 

- Trao trả tù binh và người bị giam giữ.

 

- Thành lập Ủy ban liên hợp kiểm soát và giám sát quốc tế.

 

* Thỏa thuận riêng với mỗi nước. Trong đó, các hiệp định liên quan đến Việt Nam, gồm 4 nội dung chính:

 

- Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.

 

- Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải), vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam, cấm xây dựng căn cứ quân sự mới, cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào, cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ một chính sách quân sự nào.

 

- Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử 7/1956, tự do chọn vùng sinh sống trong khi chờ đợi, không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

 

- Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập.

 

2. Nguyên nhân thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

 

Thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Nguyên nhân hàng đầu quyết định thắng lợi cơ bản trên là do đường lối chính trị, đường lối quân sự và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quân đội và nhân dân ta đã đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng suốt 9 năm, giành thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, buộc bọn đế quốc, thực dân phải ngồi vào bàn hội nghị, cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

 

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã biết phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị và sức mạnh ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp và thế chủ động trên bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ.

 

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa, được bạn bè quốc tế và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ, cổ vũ, góp phần tạo nên sức mạnh của thời đại cho thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954.

 

Đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức được lợi ích và mục tiêu của dân tộc, có hiểu biết sâu sắc và trình độ học vấn uyên bác, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tự chủ trên bàn đàm phán, biết phân tích đánh giá tình hình chính sách và đã đạt được kết quả to lớn trong hoàn cảnh lịch sử đó.

 

3. Ý nghĩa Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

 

- Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này.

 

- Hiệp định này là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia trong khuôn khổ một hiệp định ngừng bắn đơn thuần, kiểu Triều Tiên. Về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

 

- Hiệp định đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc. Nó xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một đế quốc hùng mạnh, đánh dấu sự mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cầu, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa.

 

- Hiệp định là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia.

 

- Hiệp định đã tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này, đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

 

IV. Những bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Việc đàm phán, ký kết hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập. Các bài học kinh nghiệm đó là:

 

- Kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong bối cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu tác động của các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để đạt được lợi ích của mình. Lợi ích cao nhất của chúng ta lúc đó tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là buộc đối phương phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta đã đạt được.

 

- Đánh giá và xử lý đúng tình hình, những yêu cầu và lợi ích của các nước có liên quan. Trong quá trình đàm phán tại hội nghị, nhờ sự phân tích đánh giá tình hình chính xác, kịp thời, chúng ta đã biết nắm bắt những “thời cơ cách mạng và đưa ra những đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng suốt nên đã đạt được những kết quả to lớn tại hội nghị. Tuy nhiên, lúc đó, các phương tiện truyền thông, báo chí chưa thực sự phát triển, nguồn thông tin còn hạn chế, hơn nữa chúng ta chưa có nghiên cứu chiến lược, chưa hiểu hết ý đồ của các nước lớn Liên Xô và Trung Quốc, nên thắng lợi của chúng ta chưa trọn vẹn.

 

- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý. Trước, trong và sau Hội nghị Giơ-ne-vơ và trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh chính nghĩa, thái độ thiện chí của mình, vạch rõ âm mưu của địch và nhờ đó chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới, tác động tích cực tới phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh của ta tại Hội nghị giành thắng lợi.

 

- Tăng cường đối thoại và hợp tác, sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết các vấn đề xung đột trong quan hệ quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình. Trước tình hình thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực; cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Hồ Chí Minh cùng Đảng Lao động Việt Nam chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Thiện chí hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh. Các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, phá khung Chiến tranh lạnh, phá được khuôn mẫu hai phe đối lập nhau.

 

- Tăng cường tiềm lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển. Chúng ta sẽ không thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi trên chiến trường. Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực cứu vãn hòa bình, dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột với Pháp nhưng không mang lại kết quả vì thực dân Pháp đang hăm hở giành thắng lợi bằng quân sự. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội và nhân dân Việt Nam thắng lợi có ý nghĩa trọng đại và tác động to lớn đến xu hướng diễn biến và thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ.

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek