Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước.
Ảnh: Internet |
Sau khi học hết bậc tiểu học, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thi đỗ vào trường Bưởi (Hà Nội). Vốn bản tính thẳng thắn, trung thực, hay đấu tranh với những việc chướng tai gai mắt, đồng chí thường cùng với một số bạn bè tiến bộ trong trường tìm mọi cách vạch mặt những kẻ hay nịnh Tây. Khoảng năm 1927-1928, được các đồng chí trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, đồng chí dần dần hiểu rằng, muốn xóa bỏ cảnh áp bức, bóc lột, không thể đả kích cá nhân, mà phải vận động quần chúng đứng dậy đánh đổ toàn bộ chế độ tàn bạo của đế quốc và phong kiến. Vì vậy, đồng chí bước vào hoạt động cách mạng và bị nhà trường đuổi ngay giữa khóa học.
Sau khi bị đuổi khỏi trường Bưởi, đồng chí về quê mở trường dạy học, liên lạc mật thiết với đồng chí Ngô Gia Tự, với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để hoạt động. Công việc đang tiến hành thì đồng chí bị mật thám bắt. Sau một thời gian giam giữ và tra hỏi, không tìm ra chứng cứ, chúng buộc phải thả đồng chí.
Năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, bằng cách đưa các đảng viên không thuộc thành phần công nhân đi vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi làm phu cuốc than tại mỏ than Vàng Danh.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên của Đảng và được phân công làm cán bộ chuyên nghiệp của Đảng; thường xuyên đến các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông để chỉ đạo công tác và kịp thời uốn nắn những lệnh lạc trong công tác vận động công nhân. Phong trào cách mạng ở vùng mỏ ngày một phát triển, nhiều nơi đã tổ chức Công hội đỏ. Ở Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí là người trực tiếp phụ trách và biên tập chính tờ báo Mỏ than của vùng mỏ. Tờ báo này đã có tác dụng tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chủ trương của Đảng, động viên cổ vũ quần chúng công nhân đấu tranh giành quyền lợi hàng ngày và xây dựng phát triển phong trào cách mạng.
Sau ngày thành lập Đảng (3/2/1930), Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy, phong trào công nhân vùng mỏ phát triển mạnh, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi quyền lợi đã nổ ra. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp chỉ đạo toàn vùng mỏ đấu tranh nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5/1930). Cờ đỏ búa liềm đã được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), ở thị trấn Cẩm Phả và nhiều nơi khác.
Phong trào cách mạng ở vùng mỏ bừng lên một khí thế mới. Thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, ra sức đàn áp khủng bố phong trào. Nhiều đồng chí cán bộ, quần chúng cách mạng bị bắt. Trên đường đi công tác từ Cẩm Phả đến Hòn Gai, đồng chí bị sa vào tay địch. Biết đồng chí là một trong những cán bộ quan trọng ở vùng mỏ, địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ đồng chí, nhưng chúng đã thất bại. Không đủ bằng chứng, bọn đế quốc vẫn kết án đồng chí tù khổ sai chung thân.
Vào đầu năm 1932, đồng chí bị đày ra Côn Đảo giam ở Banh 2 gồm những tù chính trị mà bọn đế quốc cho là tội nặng nhất. Ở đây, theo nếp sống của những người cộng sản, các đồng chí không để thì giờ lãng phí. Ngoài những giờ làm khổ sai, nghỉ để lấy sức, các đồng chí lao vào học tập, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, chuyền tay nhau xem những sách báo từ bên ngoài gửi vào. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có trí nhớ rất tốt, đã thuộc bản Luận cương chính trị của Đảng và chép lại cùng các đồng chí khác nghiên cứu, suy nghĩ thảo luận để hiểu sâu bản Luận cương. Đối với tình hình trong nước và thế giới, đồng chí rất hăng hái tranh luận. Đồng chí đã chỉ cho anh em những âm mưu của đế quốc và triển vọng của cách mạng Việt Nam, nhất là tình hình sau cao trào cách mạng 1930-1931.
Năm 1936, do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, thực dân Pháp bắt buộc phải thả một số tù binh chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ra tù, đồng chí về Hà Nội bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh… hoạt động tích cực khôi phục lại Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối năm 1936, trong cuộc họp Xứ ủy mở rộng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Xứ ủy. Cùng với Xứ ủy chỉ đạo xây dựng các cơ sở Đảng và quần chúng, đồng chí rất quan tâm đến việc sử dụng báo chí công khai ở Hà Nội. Nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí coi báo chí là vũ khí đắc lực tiến công kẻ thù.
Tháng 8/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Xứ ủy cử đi dự hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Gia Định). Hội nghị đã kiểm điểm các mặt công tác Đảng, công tác Mặt trận, việc lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ và đề ra nhiệm vụ trước mắt. Hội nghị cũng thông qua nghị quyết quan trọng, nhấn mạnh vấn đề chống bệnh cô độc, biệt phái trên mọi lĩnh vực của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống bọn tờrốtkít; về mối quan hệ giữa bộ phận đảng viên hoạt động công khai với cấp độ Đảng bí mật; quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lấy phong trào công nhân và nông dân làm nòng cốt, thu hút các tầng lớp nhân dân và các tổ chức tiến bộ.
Trong hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng bí thư của Đảng, năm ấy đồng chí mới 26 tuổi. Sau đó, đồng chí vào Sài Gòn nơi Trung ương đóng để đảm nhiệm công tác lãnh đạo toàn Đảng. Phong trào cách mạng trong toàn quốc phát triển mạnh, vì vậy, bọn địch theo dõi đồng chí rất sát. Cuối cùng chúng trục xuất đồng chí ra khỏi Nam Bộ.
Trở ra Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chú trọng việc thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo báo chí công khai của Đảng, tập trung vào tuyên truyền vận động việc thành lập Mặt trận. Nhóm đảng viên hoạt động công khai ở tòa soạn báo Tin tức làm nòng cốt cho cuộc vận động này. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương đã tổ chức một cuộc mít tinh tại khu Đấu Xảo, Hà Nội nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5/1938). Cuộc mít tinh giương cao ngọn cờ và khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, cải thiện dân sinh với sự tham dự của 2 vạn người. Đây là đỉnh cao của phong trào quần chúng trong thời kỳ vận động dân chủ.
Mùa thu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở vào Sài Gòn cùng với Ban Thường vụ Trung ương bàn chủ trương đối phó với bọn Tờrốtkít đang âm mưu phá hoại cách mạng, đồng thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc của một số đảng viên, cùng Trung ương đã lãnh đạo Đảng lột mặt nạ và cô lập bọn Tờrốtkít ở Nam kỳ, Bắc kỳ và tiến hành một cuộc tự phê bình trong Đảng, nghiêm khắc phê phán những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và hữu khuynh, thỏa hiệp vô nguyên tắc với bọn Tờrốtkít.
Ký tên là Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm lý luận nổi tiếng “Tự chỉ trích” do Nhà xuất bản Dân chúng xuất bản. Quyển sách ra đời gây tiếng vang lớn trong Đảng và nhân dân; đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ Đảng và đấu tranh chống bọn Tờrốtkít. Nội bộ Đảng được củng cố hơn trước, quần chúng càng thêm tin tưởng ở đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Mùa thu năm 1939, sau khi đế quốc Pháp “nhảy” vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và phát xít hóa bộ máy cai trị ở Đông Dương, Trung ương Đảng thấy cần phải họp gấp để quyết định chủ trương mới cho thích hợp với tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào Sài Gòn họp Hội nghị Trung ương lần thứ sáu vào tháng 11/1939. Hội nghị này đã đánh dấu một sự chuyển hóa cơ bản về chỉ đạo chiến lược của Đảng ta nằm giương cao ngọn cờ dân tộc, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.
Giữa lúc cách mạng đang bước sang một bước ngoặt mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Biết đây là Tổng bí thư của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất để tra khảo đồng chí. Thế nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã giữ vững khí tiết người cộng sản. Sau khi khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ (23/11/1940), chúng khép đồng chí vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là “người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ” và kết án tử hình đồng chí.
Ngày 28/8/1941, chúng đưa đồng chí cùng một số đồng chí khác đi xử bắn tại Bà Điểm (Gia Định). Tại pháp trường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí khác đã kiên quyết vứt bỏ tấm băng đen bịt mắt, nhất loạt hô vang khẩu hiệu: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”, “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!”.
Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó nhiều năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng về tinh thần tự rèn luyện, tiêu biểu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí đã nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Đảng ta thống nhất về tư tưởng và hành động, thật sự trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Trong những ngày biển Đông “dậy sóng”, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Noi theo tấm gương cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, chúng ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - chính trị, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN VĂN THANH