Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 23/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Hải quan (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Xây dựng hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh
Với 92,37% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi). Luật gồm 8 chương, 104 điều, quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan.
Đối tượng áp dụng của Luật là tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; cơ quan hải quan, công chức hải quan và cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
Chính sách về hải quan được quy định trong Luật là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; xây dựng hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch
Đa số các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.
Dự án Luật cần bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư; hoàn thiện phân cấp đầu tư, cơ chế phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan, cùng với quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ để hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng và địa phương.
Đối với quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích khái niệm kinh doanh và đầu tư theo dự án luật về bản chất là một. Theo luật doanh nghiệp, các chủ thể để được kinh doanh đã phải làm các thủ tục đăng ký kinh doanh với ý nghĩa như thủ tục khai sinh để bước vào thương trường. Như vậy, sẽ rất khó thuyết phục nếu yêu cầu các chủ thể này sau khi đã hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư một lần nữa để triển khai các dự án. Vì vậy, nếu quy định các nhà đầu tư này phải làm thủ tục đăng ký thì sẽ tạo ra “thủ tục kép” trong thể chế để cùng quản lý một việc. Nhà nước mất thêm công sức, tiền của cho thủ tục đầu tư không cần thiết mà chắc chắn không hiệu quả bằng các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ Ban soạn thảo cần nghiên cứu bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và giấy đăng ký đầu tư trừ các dự án sử dụng nguồn lực của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực không sẵn có hoặc khan hiếm, bởi đây là nhóm cần được kiểm soát chặt chẽ bằng thủ tục đăng ký đầu tư nhưng dự án luật lại chưa đề cập đến.
Các chủ thể có quyền tự do đầu tư nhưng đầu tư kinh doanh làm ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà nước thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ để không sử dụng lãng phí, làm xâm hại đến lợi ích công cộng trong quá trình sử dụng nguồn lực này, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thể hiện sự băn khoăn đối với quy định này và cho rằng hiện nay chưa có tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, quy định “nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án do nhà đầu tư đề nghị” chưa nêu rõ mức dự án tối thiểu sẽ dẫn đến dễ bị lợi dụng. Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung, xác định tiêu chí và hạn mức dự án tối thiểu khi nhà đầu tư đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cần quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện
Về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tán thành với việc Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát đối với các lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện để quy định cụ thể, chi tiết trong Nghị định của Chính phủ.
Đại biểu cho rằng bên cạnh việc rà soát các lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhằm tập hợp đầy đủ các quy định về vấn đề này. Chính phủ cũng cần xem xét loại bỏ những quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của nhà đầu tư; nghiên cứu pháp điển hóa thêm các nội dung cụ thể trong luật để luật có tính khả thi.
Đề nghị ban soạn thảo cần thống nhất cách diễn đạt, liệt kê cụ thể những lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện cũng là ý kiến chung của các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Phi Thường (Hà Nội).
Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, các đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm.
Các ý kiến đánh giá các quy định của dự án luật đã thể hiện sự đột phá, thông thoáng hơn so với luật hiện hành, nhưng các quy định này mới chỉ được thể hiện một cách khái quát, mang tính nguyên tắc dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định cụ thể. Các đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần sớm rà soát các văn bản pháp luật khác liên quan, đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản pháp luật; giảm thiểu các điều khoản giao cho các văn bản dưới luật quy định...
Theo TTXVN/Vietnam+