Sáng 16/6, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Qua thảo luận, các ý kiến thể hiện sự tán thành cần thiết phải sửa đổi cơ bản Luật Tổ chức Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp; kế thừa và phát triển nhiều quy định như nội quy kỳ họp Quốc hội, các quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đa số các ý kiến đại biểu đồng tình cao với việc dự thảo luật. Thảo luận cách quy định số lượng ĐBQH trong dự thảo luật, nhiều ý kiến nhất trí với việc quy định tổng số ĐBQH “không quá” 500 người như của luật hiện hành.
Thảo luận về ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến tán thành với việc cần phải tăng số lượng tối thiểu từ 25% lên 40% để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề xuất tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 45%, còn đại biểu Huỳnh Nghĩa thì cho rằng cần là 50%. Còn đại biểu Phạm Đức Châu thì cho rằng ĐBQH chuyên trách cần có tiêu chuẩn cao hơn đại biểu không chuyên trách vì điều này góp phần quyết định tới việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Bên cạnh đó nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách có gì khác so với ĐBQH không chuyên trách.
Bàn về địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến. Có ý kiến tán thành quy định về địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH như dự thảo luật. Đoàn ĐBQH tiếp tục được xác định là hình thức tổ chức hoạt động của các ĐBQH tại địa phương; không hành chính hóa hoạt động của ĐBQH cũng như tổ chức, hoạt động của đoàn ĐBQH. Ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH với những nhiệm vụ, quyền hạn độc lập như một cơ quan của Quốc hội tại địa phương, có tư cách pháp nhân. Đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị cần quy định đoàn ĐBQH là một tổ chức có tư cách pháp nhân, là một cơ cấu của Quốc hội chịu sự quản lý và chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời dự thảo cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn ĐBQH; có cơ chế cụ thể về giám sát và có biện pháp xử lý đối với những vấn đề đoàn ĐBQH kiến nghị nhưng địa phương không tiếp thu. Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh thì đề nghị nếu xác định hình thức tổ chức hoạt động của ĐBQH theo đoàn ĐBQH, không hành chính hóa hoạt động của ĐBQH thì cần có quy định thể hiện được vị trí, vai trò của đoàn ĐBQH ở địa phương, tạo thuận lợi cho đoàn ĐBQH tổ chức các hoạt động trong thời gian giữa hai kỳ họp. Theo đại biểu, điều này càng trở nên quan trọng đối với hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương và hoạt động tiếp xúc cử tri khi đưa ra các kiến nghị đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của cử tri ở địa phương. Để tăng cường hoạt động của đoàn ĐBQH địa phương, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị mỗi đoàn địa phương ở các tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đến 3 đại biểu theo số đại biểu được bầu tại địa phương đó.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho các ý kiến cụ thể về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho ĐBQH; số lượng các ủy ban của Quốc hội và cơ cấu thành viên hội đồng, ủy ban; việc nâng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành ban thuộc Quốc hội...
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Q. THUẦN (tổng hợp)