Chiều 12/6, các ĐBQH chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh về việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ TTCP của Tổng TTCP Trần Văn Truyền trước khi về hưu. TTCP đã xử lý, kiểm soát tài sản của cán bộ khi về hưu như thế nào, vì thực tế sau khi về hưu, nhiều cán bộ phát sinh khối tài sản khổng lồ?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh khẳng định, đến nay vẫn chưa có quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản. “Cán bộ tại chức thì chưa phát hiện kê khai tài sản thiếu trung thực. Còn khi về hưu mà phát hiện khối tài sản lớn thì TTCP đang tiếp tục nghiên cứu, làm thế nào để quản lý đồng bộ, kể cả cán bộ thuộc diện kê khai cũng như cán bộ về hưu. Quy định chưa có, nhưng tiếp thu ý kiến ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất”, Tổng TTCP nói.
Về thông tin tài sản của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền giai đoạn 2006-2011, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, ông Truyền về hưu, thuộc diện Trung ương quản lý, sinh hoạt ở Đảng bộ tỉnh Bến Tre. “Khi báo chí thông tin, TTCP đã chủ động trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình về khối tài sản này. Đồng chí Truyền theo diện cán bộ Ban Bí thư quản lý nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang nắm tình hình. TTCP phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để theo dõi vấn đề này. Còn quyết định là thuộc thẩm quyền Trung ương”, ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
Về vấn đề bổ nhiệm cán bộ ồ ạt của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền tại TTCP trước khi về hưu, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong giai đoạn từ đầu năm 2011 đến tháng 8/2011 có bổ nhiệm 60 cán bộ. “Điều này báo chí đã thông tin, có nhiều điểm chính xác. Việc bổ nhiệm này có xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu bổ nhiệm cán bộ thanh tra; trong thời điểm tách các đơn vị mới cần cán bộ. Nhưng đúng là có sơ suất, như thời gian bổ nhiệm cán bộ chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định; chứng chỉ, điều kiện, năng lực cán bộ của một số trường hợp chưa đạt yêu cầu”, ông Tranh khẳng định.
Trước đó, sáng 12/6, trả lời chất vấn của các đại biểu và yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về tác động của 312 văn bản không đảm bảo chất lượng, không khả thi, có dấu hiệu không hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong đó có 54 văn bản sai về nội dung, trái với nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ. Cụ thể, có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý và thể thức trình bày; 64 trái với quy định về hiệu lực của luật; 11 văn bản sai về thẩm quyền; 54 văn bản sai nội dung. Trong 54 văn bản về sai nội dung không có văn bản nào vi hiến mà có 4 văn bản chưa phù hợp với luật, còn lại chưa phù hợp nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, qua rà soát có việc các bộ tiếp tục ban hành văn bản sai nội dung, tinh thần sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực. “Đó là điều không thể chấp nhận được dù số lượng không phải cao. Do đó, cần phải kiểm điểm trách nhiệm và tới đây Bộ Tư pháp hàng tháng sẽ có báo cáo để Chính phủ xem xét”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Q. THUẦN (tổng hợp)