Thứ Ba, 26/11/2024 15:58 CH
Tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất
Thứ Năm, 12/06/2014 08:08 SA

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu về những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng vững và phát triển sau suy thoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, theo đó doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỉ đồng được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm, tức là chuyển từ kê khai hàng tháng sang kê khai hàng quý, góp phần giảm áp lực về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, năm 2011, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập đã hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.  

 

Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn - Ảnh: TTO

 

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, dự kiến thời gian tới, bộ sẽ trình cấp thẩm quyền các giải pháp gia hạn nộp thuế, không thu tiền phạt chậm nộp với doanh nghiệp khó khăn; hoàn nhanh thuế giá trị gia tăng với các dự án đầu tư trên 100 tỉ đồng trở lên mà phải vay ngân hàng để nhập khẩu máy móc thiết bị; gia hạn nộp thuế tối đa 2 năm đối với dự án chưa được thanh toán vốn đầu tư cơ bản. Bộ miễn thuế thu nhập cá nhân với chủ tàu hậu cần khai thác cá xa bờ; miễn thuế thu nhập cá nhân thuyền viên người Việt Nam làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài; khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa tạo cố định của các dự án xã hội hóa y tế, giáo dục; đồng tời tăng cường các giải pháp chống chuyển giả, chống gian lận thuế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình khó khăn…

 

Trả lời băn khoăn của các đại biểu về giá thuốc, quản lý giá thuốc, hiệu quả quản lý giá thuốc, tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có 2 loại thuốc lớn: thuốc quản lý theo chi trả của ngân sách nhà nước và thuốc không thuộc ngân sách nhà nước. Cả hai loại thuốc đều được quản lý chặt chẽ về giá. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ quản lý thuốc do ngân sách chi trả, còn thuốc thị trường do thị trường chi phối. Mặc dù là mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu nhưng giá thuốc ở Việt Nam đứng thứ 8 và thứ 9 trong xếp hạng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn 1,5 lần đến 2 lần so với giá thuốc ở Trung Quốc và thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với giá thuốc tại Thái Lan.

 

Kết thúc nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các bộ trưởng quan tâm giải quyết để thực hiện có kết quả các vấn đề ĐBQH đặt ra về nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân như xăng dầu, điện và vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

 

Cũng trong phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH. Những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong giáo dục hiện nay như đào tạo đại học, cao đẳng bất hợp lý dẫn đến hàng chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận có việc này và cho biết mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong 5 năm chúng ta có 2 triệu người tốt nghiệp. Trong số thống kê có hơn 72.000 người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm.

 

“Việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi anh học ngành nghề gì là do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp anh làm việc ở đâu là do Nhà nước chỉ định. Khi sang cơ chế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế cộng với việc thị trường lao động hình thành và ngày càng phát triển thì độ chênh và sự không khớp giữa cung - cầu là một thực tế khách quan”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

 

Đối với vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh để nội dung kiểm tra sát với năng lực học sinh nhưng sẽ là những thay đổi phù hợp, không gây sốc.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời - Ảnh: TTO

 

 

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp; việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về hướng dẫn thi hành và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vànghịđịnh của Chính phủ trong thời gian qua; những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự; giải pháp khắc phục. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiện nay theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ. Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày. Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không. Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên vấn đề là đứng từ phía nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm.

 

Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn: Không ở đâu thủ tục thi hành án dân sự phức tạp, nhiêu khê như ở Việt Nam, nhất là thủ tục phát mãi tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng - qua quá nhiều quy trình, có khi mất 4 năm. Bộ Tư pháp có thấy đó là rào cản? Bộ trong trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật có thấy điều này?

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, tuy nhiên ông cũng giải thích quy trình phát mãi tài sản (nhất là bất động sản) có liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nóng nguội. Thi hành án thường liên quan đến giá cả do bản án tuyên (hiện nay giá nhà đất thấp), nên việc đánh giá thế nào để định giá tài sản thi hành án vẫn còn khó. Luật thi hành án dân sự có thể là tài sản của người dân, cũng có thể của tổ chức, Nhà nước nên cũng cho chủ sở hữu có quyền yêu cầu đánh giá đi, lại về tài sản của mình, không thừa nhận kết quả đấu giá…

 

Q. THUẦN (tổng hợp)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek