Thứ Ba, 26/11/2024 19:22 CH
Triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững
Thứ Tư, 11/06/2014 08:09 SA

 (Phát biểu của ĐB Đặng Thị Kim Chi, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tại kỳ họp của Quốc hội)

 

Tôi xin không nói thêm những thành tựu cũng như những bất cập, hạn chế trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua, vì các báo cáo và nhiều đại biểu đã phân tích rất kỹ. Với mong muốn công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, để cùng với công tác an sinh xã hội là điểm sáng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi xin phân tích thêm một số giải pháp cụ thể như sau:

 

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: N.TUẤN

 

Thứ nhất, cần tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách giảm nghèo thành một chương trình chung, giao cho một bộ quản lý - làm cơ quan thường trực của ban chỉ đạo giảm nghèo, để tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành đang phát huy hiệu quả, đồng thời loại bỏ các chính sách bất cập đang tồn tại để khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, chồng chéo không đạt hiệu quả. Xây dựng chính sách theo hướng giảm dần các chính sách mang tính xin cho, chi trực tiếp vào đối tượng hưởng lợi để tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư phù hợp với đặc điểm từ vùng miền để phục vụ chung cho cộng đồng như: giao thông, thủy lợi, hậu cần nghề cá, tín dụng ưu đãi cho đổi mới công nghệ tái canh cây nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

 

Mặt khác, chính sách hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo cũng phải có điều kiện. Nghĩa là họ phải có trách nhiệm cụ thể khi được thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Muốn vậy phải phân loại đối tượng nghèo để có chính sách cho phù hợp.

 

Đối với hộ nghèo có lao động, có khả năng tham gia vào quá trình sản xuất thì tạo điều kiện hỗ trợ về tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm. Những hộ nghèo có sức lao động mà không chịu làm ăn, vươn lên thoát nghèo thì phải có điều kiện về thời gian thoát nghèo và kiên quyết đưa ra khỏi diện được hưởng ưu đãi đối với hộ nghèo. Đồng thời có chính sách khen thưởng những hộ nghèo không tái nghèo điển hình và xã, thôn giảm nghèo nhanh, bền vững như tăng thêm vốn vay ưu đãi; xử lý các địa phương báo cáo không trung thực kết quả giảm nghèo để tiếp tục được công nhận là địa phương nghèo.

 

Thứ hai về chính sách đối với một số lĩnh vực:

 

- Cần tập trung vốn xây dựng các tuyến giao thông ven biển, các khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá theo Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã quyết định dành 16.000 tỉ đồng đầu tư cho biển đảo, trong đó tập trung cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng tàu hiện đại, vươn khơi bám ngư trường, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, theo tôi chủ trương này sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa nếu Chính phủ đầu tư đồng bộ cho chuỗi đánh bắt, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản. Nghĩa là tăng vốn vay và các chính sách ưu đãi cho cả 3 khâu: đóng mới tàu, mua ngư cụ để ngư dân vươn khơi; cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đóng tàu và hỗ trợ khoa học, công nghệ để song hành cùng ngư dân, thu mua sản phẩm hải sản của ngư dân ngay trên biển; cho vay vốn để xây dựng các cơ sở chế biến hải sản trên bờ để vừa không phải bán sản phẩm thô, vừa giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên người nghèo làm việc tại các cơ sở chế biến hải sản.

 

- Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngoài việc xây dựng đường giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nêu, Chính phủ cần phải xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tu bổ, xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, từng bước đáp ứng tốt hơn nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ giúp người dân tăng năng suất cây trồng, mà còn phát huy hiệu quả diện tích đất bỏ hoang lâu nay do thiếu nước. Khi có thủy lợi thì đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng tái định cư do di dời làm thủy điện có thêm đất để phát triển sản xuất và thoát nghèo…

 

- Chính phủ nên dành một phần ngân sách và huy động vốn từ các doanh nghiệp để thành lập một ngân hàng vật nuôi (theo tôi là ngân hàng bò) cho các hộ nghèo, cận nghèo mượn bò để nuôi. Ví dụ cho một hộ nghèo mượn 2 con bò, sau 10 năm nuôi họ phải trả lại 2 con bò con để các hộ khác mượn tiếp. Cách làm này sẽ giúp người nghèo có ý thức và cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek