Thứ Tư, 27/11/2024 13:30 CH
Phát huy sức mạnh của lòng yêu nước để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc
Thứ Ba, 03/06/2014 09:17 SA

ĐBQH Nguyễn Thái Học phát biểu thảo luận tại phiên họp - Ảnh: N.TUẤN

(Trích bài phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thái Học tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 2/6)

 

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014 trình Quốc hội tại kỳ họp này. Báo cáo của Chính phủ đã khẳng định những kết quả quan trọng đạt được trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và hướng phục hồi của nền kinh tế. Báo cáo cho rằng: “Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn những khó khăn, thách thức và chứa đựng nhiều rủi ro”. Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri chưa thật tin tưởng vào khả năng phục hồi, phát triển của nền kinh tế mà nhận thấy tình hình đất nước trong năm 2014 còn bộn bề những vất vả, gian nan. Nhân dân mong muốn Chính phủ cần chủ động, kịp thời hơn trong cung cấp thông tin, đánh giá xác thực tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, khó khăn, thách thức ở mức độ nào? Những rủi ro cần phải lường trước là gì? Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung, tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay ra sao? Chỉ khi nào người dân biết được đầy đủ, xác thực tình hình khó khăn của đất nước, thấy được sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong chỉ đạo, điều hành thì người dân mới sẵn lòng “thắt lưng buộc bụng”, “chung lưng đấu cật” cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa đất nước vượt qua gian nan, thử thách để phát triển.

 

Tròn một tháng qua, hàng ngày và từng giờ nhân dân cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hướng về biển Đông với sự quan tâm theo dõi, lo lắng, rồi phẫn nộ, bất bình, lên án hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo đức, nhân nghĩa láng giềng, trắng trợn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc. Bằng các hình thức biểu hiện khác nhau, từ người già đến con trẻ, từ vùng núi, nông thôn đến đô thị, hải đảo, nhân dân cả nước đã có những việc làm thiết thực, cụ thể, biểu thị lòng yêu nước, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thật cảm động khi thấy những cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu bày tỏ nguyện vọng được ra Hoàng Sa sát cánh cùng lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Nhiều em học sinh nhỏ dành dụm những khoản tiền tiết kiệm được để ủng hộ chương trình chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông. Đã có hơn 850.000 tin nhắn trên khắp mọi miền đất nước “chung sức vì biển đảo quê hương”. Sự đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ, tình cảm, ý chí và hành động của các tầng lớp nhân dân là sức mạnh của lòng yêu nước, là nền tảng, chỗ dựa vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin vượt qua khó khăn, thách thức. Chính trong lúc khó khăn này, chúng ta nhớ đến lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 - năm 1951: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

 

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: “Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”. Đất nước đang đứng trước tình thế khó khăn tạm thời, tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc ta qua mấy nghìn năm lịch sử, ĐBQH chúng tôi trân trọng và thiết tha đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác, toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sát cánh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây sẽ là tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước, là nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi này, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng, tạo thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn để lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trên biển Đông, Trung Quốc tấn công xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta. Ở trong nước tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Tham nhũng thực sự là giặc nội xâm, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với bộ máy Nhà nước, với vai trò lãnh đạo của Đảng, Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp này, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày có nêu: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay chạy chọt để được việc vẫn còn nhức nhối”. Tình hình tham nhũng phức tạp là vậy, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống thì bộc lộ rõ những hạn chế. Báo cáo của Chính phủ nêu: “Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu”. Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: “Việc khởi tố, xử lý tội phạm về tham nhũng giảm 17,3% so với cùng kỳ”. Vì sao tình hình tham nhũng ngày một gia tăng, trong khi đó việc phát hiện và xử lý ngày một giảm? Có đúng như ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp này cho rằng: Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc có dấu hiệu nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật hay không?

 

Chúng ta vẫn thường khẳng định: Tham nhũng là giặc nội xâm, đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh bảo vệ sự tồn vong của chế độ, hiện nay bên cạnh đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đấu tranh chống tham nhũng, chống giặc nội xâm cũng thật sự cấp bách. Cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những biện pháp, giải pháp quyết liệt, tuyên chiến với tham nhũng như tuyên chiến, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đã có những câu hỏi tha thiết, bức xúc vang lên? Chống tham nhũng, chống ai, ai chống? Trả lời câu hỏi này cần quán triệt phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng vừa qua. Tổng bí thư đã yêu cầu: “Phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”. Có làm được như vậy mới xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, tăng thêm niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phát triển đi lên của đất nước.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek