Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐBQH Nguyễn Thái Học (Đoàn ĐBQH Phú Yên) tham gia phát biểu thảo luận về vấn đề này. Báo Phú Yên xin trích đăng ý kiến trên.
Thứ nhất, tình hình nợ đọng văn bản chi tiết thi hành luật đã được khắc phục hay chưa theo nghị quyết của Quốc hội?
Tại kỳ họp thứ 6, trước bức xúc về những bất cập, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 67/2013. Nghị quyết yêu cầu “xây dựng ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai, ban hành văn bản. Xác định đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan”. Triển khai nghị quyết này của Quốc hội, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành văn bản chi tiết thi hành luật theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì chuyển biến, tồn tại, hạn chế không những được khắc phục mà còn trầm trọng hơn. Tôi nói như vậy, bởi vì trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp này có nêu: “Tình trạng tồn đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm, nhưng vẫn còn”.
Nhận định này là không phù hợp với báo cáo của Chính phủ. Báo cáo số 126 ngày 12/5/2014 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này có nêu: “Tình trạng nợ đọng văn bản không những không giảm mà còn tăng cao so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đến nay còn tồn đọng 53 văn bản, tăng 8 văn bản so với thời điểm Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 6”. Báo cáo còn nêu danh sách những bộ, ngành nợ văn bản với số lượng nhiều như Bộ KH-CN, Bộ TN-MT 8 văn bản, Bộ GD-ĐT 7 văn bản...
Tình hình trên cho thấy nghị quyết của Quốc hội chưa được Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đánh giá lại việc thực hiện yêu cầu này của Quốc hội, trong đó có việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nợ đọng văn bản theo nghị quyết của Quốc hội. Các bộ trưởng của các bộ có số lượng nợ đọng văn bản nhiều được đánh giá phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào trong năm 2013? Nếu không kiên quyết xử lý trách nhiệm, tình hình nợ đọng văn bản pháp luật vẫn không khắc phục được và do vậy luật do Quốc hội ban hành vẫn không đi vào cuộc sống. Điều này làm cho cử tri và nhân dân rất bức xúc. Cử tri cho rằng Quốc hội ban hành nhiều luật, nhưng luật không được thực thi thì Quốc hội cũng chưa được xem là hoàn thành nhiệm vụ trước cử tri.
Thứ hai, về biện pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật:
Thực tế công tác xây dựng luật của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay đặt ra yêu cầu phải rà soát xem xét lại trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật. Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, thời gian qua có nhiều dự án luật đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật nhưng đến thời điểm trình thì dự án luật chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Có những dự án luật cơ quan chủ trì soạn thảo gửi rất chậm, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm, nghị quyết của Quốc hội trong nhiều năm cũng đã yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, thậm chí đề nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cho đến nay mặc dù Chính phủ đã họp, đã kiểm điểm, chấn chỉnh nhưng chưa có người đứng đầu bộ, ngành nào bị xem xét xử lý trách nhiệm, do vậy tồn tại hạn chế này vẫn lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
Đối với cơ quan thẩm tra dự án luật, tôi đề nghị cần xem xét đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan này. Đối với những dự án luật gửi thẩm tra chậm hoặc chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thì kiên quyết không trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Nếu cơ quan thẩm tra vẫn đồng ý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua thì trách nhiệm thuộc về cơ quan thẩm tra dự án luật. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở dự án luật đã được cơ quan thẩm tra, nếu dự án luật nào có chất lượng tốt, phạm vi điều chỉnh không nhiều, nhất là các luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì có thể đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp và có hình thức biểu dương, khen thưởng thỏa đáng cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Với dự án luật nào đến thời điểm trình mà chưa hoàn thành hoặc không đảm bảo chất lượng thì yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan để xử lý. Nói tóm lại, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có chế tài và thực hiện chế tài thưởng, phạt nghiêm minh trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật. Nói phải đi đôi với làm. Có như vậy, chất lượng xây dựng luật mới được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng luật trong giai đoạn hiện nay.