Theo Reuters, ngày 22/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou 981) tại biển Đông.
Được hỏi về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á tại thủ đô Manila (Philippines), phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell nói: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng luật pháp quốc tế; giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như bay trên vùng trời tại biển Hoa Nam. Mỹ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác".
Cùng ngày 22/5, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng ra thông cáo báo chí hoan nghênh sự ủng hộ của Việt Nam đối với Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Thông cáo báo chí của Văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng quyết định ngày 20/5 của Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tham gia PSI là phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ngăn chặn phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), tăng cường an ninh và an toàn thương mại toàn cầu, góp phần thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình. Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy các mục tiêu không phổ biến hạt nhân.
Trong khi đó, trên diễn đàn Interpreter ngày 22/5, giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học quốc gia Úc cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “hình mẫu mới”. Theo giáo Sư White, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “một hình mẫu mới của mối quan hệ nước lớn”. Để hiểu mục đích các hành động của Bắc Kinh, cần phải thừa nhận rằng dưới “hình mẫu mới” của mình, ông Tập muốn Trung Quốc nắm thêm quyền lực và ảnh hưởng ở châu Á nhiều hơn so với vài thế kỷ qua. Điều này là không tưởng, vì vậy với Trung Quốc, để có thêm nhiều quyền lực và ảnh hưởng, Mỹ phải giảm thiểu những thứ đó. Đây là điều mà ông Tập và giới chức Trung Quốc đang cố gắng thực hiện.
Lý do của họ rất đơn giản. Trung Quốc biết rằng vị thế của Mỹ ở châu Á được xây dựng trên mạng lưới đồng minh và đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc. Làm yếu đi các mối quan hệ này là cách dễ dàng nhất để hạ gục sức mạnh của Mỹ trong khu vực. Phía sau những lời nói ngoại giao hoa mỹ, nền tảng của các liên minh và đối tác này là lòng tin Mỹ có thể và sẵn sàng bảo vệ họ trước sức mạnh của Trung Quốc. Vì vậy, cách dễ nhất cho Bắc Kinh để làm suy giảm sức mạnh của Washington ở châu Á là làm xói mòn lòng tin này. Và cách dễ nhất để làm điều đó là Bắc Kinh gây sức ép đối với những người bạn và đồng minh của Mỹ về những vấn đề không liên quan lập tức tới lợi ích của Mỹ - tương tự một loạt tranh chấp biển đảo mà Mỹ không có lợi ích trực tiếp.
Bằng cách sử dụng sức ép quân sự trực tiếp trong những tranh chấp này, Trung Quốc khiến các nước láng giềng ngày càng ngóng chờ sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, đồng thời khiến Mỹ giảm nhiệt huyết giúp đỡ do lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Nói cách khác, bằng cách dùng sức mạnh đe dọa những người bạn của Mỹ, Trung Quốc đang buộc Mỹ phải lựa chọn giữa bỏ rơi những người bạn hay chống lại Trung Quốc.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)