Để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế tại nhiều nước đã tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngày 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Áo đã rầm rộ tuần hành phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc. Từ sáng sớm, ngay trước trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Vienna, khoảng 600 người Việt Nam từ Vienna và khắp các thành phố của Áo như Linz, Salzburg, Graz, Innsbruck… cùng bạn bè Áo và quốc tế đã tập trung biểu tình phản đối các hoạt động bành trướng bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng này.
Những người tham gia biểu tình đã sử dụng nhiều cờ tổ quốc, băngrôn, khẩu hiệu bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Việt, Trung và bản đồ chỉ rõ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982; hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc bành trướng trên biển Đông gây phương hại tới hòa bình và an ninh tại khu vực; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép khỏi khu vực chủ quyền ở Việt Nam; ủng hộ hòa bình trên biển Đông và hòa bình cho Việt Nam và các quốc gia lân cận.
Cộng đồng người Việt tại Cyprus và người dân sở tại tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc. - Ảnh: Vietnam+ |
Cùng nắm tay hát vang Quốc ca và các bài hát truyền thống thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt với đồng bào khắp nơi trên thế giới đấu tranh ôn hòa chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc, thông qua cuộc biểu tình này, cộng đồng người Việt ở Áo cũng bày tỏ tình cảm, trách nhiệm với Tổ quốc, quyết tâm chung tay đấu tranh với các hành vi ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đáng chú ý, cuộc tuần hành đã thu hút đông đảo báo giới sở tại và quốc tế, các cộng tác viên báo chí tiếng Việt tới đưa tin, ghi hình.
Cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc là lần đầu tiên có sự tham gia của đông đảo người Việt Nam tại Áo. Theo tính toán của ban tổ chức, số người tham gia đã vượt quá 10% tổng số người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Áo. Trước đó khoảng một tháng, bà con cộng đồng người Việt tại đây cũng đã long trọng tổ chức đại lễ cầu siêu tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc, trong đó có các chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, Trường Sa năm 1988.
Cũng cùng ngày 18/5, hơn 1.000 người đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại TP Bratislava, Slovakia. Ngày 18/5, khoảng 4.000 người Việt Nam ở Warsaw và các tỉnh lân cận cùng khoảng 200 bạn bè người Ba Lan đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan. Số người tham gia biểu tình đã gấp hàng chục lần số lượng dự kiến của Ban tổ chức, bao gồm cả các nhà báo Ba Lan. Kênh truyền hình TVN24 của Ba Lan đã đưa tin về cuộc biểu tình này.
Để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng trong 18/5, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động tại Cộng hòa Cyprus đã xuống đường tuần hành rầm rộ phản đối Trung Quốc. Cuộc tuần hành hòa bình với sự tham gia của hơn 1.000 người, phần lớn là người lao động Việt Nam tại Cyprus, quốc đảo nằm trên Địa Trung Hải, số còn lại là bạn bè Việt Nam tại nước sở tại cùng một nhóm người Philippines.
Đoàn tuần hành đã diễu hành qua một khu phố dài ở trung tâm thủ đô Nicosia, sau đó tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc hô khẩu hiệu, đọc kháng thư phản đối hành động đơn phương đặt giàn khoan trái phép của chính quyền Bắc Kinh, gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Nhiều người Cyprus cũng tham gia tuần hành và bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam và phản đối hành động của Trung Quốc.
Nhiều phóng viên của các hãng truyền thông đã tham gia đưa tin về cuộc tuần hành, trong đó đài truyền hình thủ đô đã phát phóng sự vào ngày 19/5. Ngoài ra, người tuần hành còn phát tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam, vạch rõ hành vi gây hấn của Trung Quốc, phát thỉnh nguyện thư kêu gọi các giới sở tại lên tiếng phản đối Trung Quốc, bảo công lý và lẽ phải.
Các cuộc biểu tình, tuần hành đã diễn ra trật tự, có tổ chức, gây được sự chú ý của người dân nước sở tại, thể hiện sự đoàn kết với nhân dân trong nước. Thông điệp chính của các cuộc tuần hành là Việt Nam yêu hòa bình, Việt Nam muốn hòa bình nhưng Việt Nam cũng sẵn sàng hành động để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)