Điện Biên Phủ là một vùng đất có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nằm trên ngã ba nhiều con đường lớn, nhỏ, nối liền các biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa. Ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 (1890), Pháp đã tới chiếm đóng Điện Biên Phủ và đã 3 lần chiếm đóng nơi đây (1890, 1946, 1953).
Ngày 20/11/1953, địch cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta đến đó để tiêu diệt rồi chuyển sang tấn công trên nhiều mặt trận.
Tổng số quân địch đóng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất là 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đơn vị xe tăng 10 chiếc, 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Những phương tiện hiện đại nhất của bộ binh thời bấy giờ như súng máy 4 nòng, súng phun lửa, súng bắn ban đêm bằng tia hồng ngoại… đã được thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trang bị cho quân chiếm đóng Điện Biên Phủ. Với quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng Pháp, Mỹ huênh hoang: "Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm".
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Đảng ta họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cục Đông - Xuân 1953-1954. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Tư lệnh và Bí thư Đảng ủy mặt trận. Đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận. Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", quân và dân cả nước dồn sức cho Điện Biên Phủ.
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đầu đợt tấn công lần thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau một đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam, cửa ngõ phía đông bắc Điện Biên Phủ. Trong trận này, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị tiến lên tiêu diệt địch. Tấm gương hy sinh anh dũng của anh có sức cổ vũ, động viên toàn mặt trận.
3 giờ 30 phút ngày 15/3, quân ta tấn công chiếm đồi Độc Lập ở phía bắc sân bay Mường Thanh. Tiếp đến, ngày 17/3, quân ta tiến công làm chủ cứ điểm Bản Kéo.
Trong đợt tấn công đầu tiên này, sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống 200 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, chọc thủng tấm lá chắn phía bắc và đông bắc Điện Biên Phủ, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. Pi rôt (Piroth), chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ bị cấp trên chê trách đã dùng lựu đạn tự sát.
Từ ngày 30/3, ta mở đợt tấn công thứ 2, đến giữa tháng 4 chiếm được sân bay Mường Thanh, cắt đứt cầu hàng không làm cho địch lâm vào thế nguy khốn vì thiếu lương thực, đạn dược.
Tối 1/5, ta mở đợt tấn công thứ 3, đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Đúng 20 giờ 30 ngày 6/5/1954, khối thuốc nổ 954kg (từ đường hầm ngầm quân ta đã đào dưới lòng cứ điểm đồi A1) nổ tung, phát lệnh tổng công kích cho toàn mặt trận. Và đúng 15 giờ ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của ta đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy giặc, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một chiến công chói lọi. Là chiến dịch có quy mô lớn nhất và giành thắng lợi lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định tài tổ chức, chỉ huy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Chiến dịch thể hiện ý chí, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân đội nhân dân và sự đồng lòng "Tất cả vì tiền tuyến" của mọi tầng lớp đồng bào ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần to lớn làm thất bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Mở đầu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa Á - Phi - Mỹ La tinh nổi dậy đấu tranh giành độc lập.
Xin mượn 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để kết thúc bài viết này:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.
BẰNG TÍN