Thứ Ba, 26/11/2024 18:53 CH
Việt Nam bảo đảm cao nhất việc thực thi quyền con người
Thứ Bảy, 07/12/2013 12:00 CH

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người trên thực tế. 

 

connguoi-131207.jpg

Hội thảo phổ biến liên quan tới quyền con người của phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh: TTXVN

Thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các biện pháp cụ thể, Việt Nam xác định thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời đây cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. 

 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

 

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn có một ước vọng: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trong suốt chiều dài lịch sử, xuất phát từ chủ trương không ngừng phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. 

 

Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam ra đời, các quyền con người đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp, văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng, đạo luật cơ bản của Nhà nước. Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật. Việc quy định ngày càng rộng mở về quyền con người qua các bản Hiến pháp là sự thể chế hóa cao nhất, bảo đảm cao nhất của Nhà nước ta trong việc thúc đẩy thực thi quyền con người. 

 

Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam năm 1946 mới chỉ gồm có 70 Điều, nhưng đã có tới 18 điều quy định các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân và được trình bày tập trung ở chương II: "Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”. Điều này đã thể hiện được vị trí quan trọng của chế định quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp, đồng thời cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với chế định này. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam , nhân dân được bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Điều 10 Hiến pháp ghi nhận: "Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam ghi nhận phụ nữ ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hiến pháp năm 1959 là bước phát triển hơn nữa so với Hiến pháp năm 1946 với 21 điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp năm 1980 là Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, kế thừa và phát huy tinh thần của 2 Hiến pháp trước đó, với 29 điều quy định cụ thể và các quyền của công dân. 

 

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, được coi là Hiến pháp của công cuộc đổi mới, tại Điều 2 đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." Điều 50 cũng nêu rõ: "Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật". Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp, đặc biệt được nêu tập trung tại Chương 5 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

 

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII nhằm bảo đảm sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đã dành toàn bộ chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, nội dung quyền con người cũng được quy định tại nhiều điều khác của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Hiến pháp này tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền con người; đồng thời đã bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. 

 

Cụ thể Điều 14 quy định: Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều 15 nêu rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều 16 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Điều 37 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng có các điều quy định về qu yền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 44), quyền xác định dân tộc (điều 45), quyền được sống trong môi trường trong lành (điều 46)...

 

Nhấn mạnh một trong những điểm mới nổi bật của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Hiến pháp lần này đưa quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương 5 lên chương 2. Như vậy, riêng bố cục cũng đã thể hiện tầm quan trọng của chương về quyền con người. Bên cạnh đó, tên chương cũng đã có sự thay đổi, trước đây là quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân. Điều đó khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên. Trường hợp nào hạn chế đến quyền con người, quyền công dân thì phải do Hiến pháp, luật định trong những trường hợp thật cần thiết vì những lý do rất cụ thể đã được quy định rõ trong Hiến pháp.

 

Nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người

 

Các quyền con người quy định trong hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3.000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành đã được thông qua và thực thi. 

 

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh: trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người. Tại Việt Nam còn có một số diễn biến tích cực như chủ động tham khảo ý kiến về dự thảo luật với các bên liên quan. Ví dụ, trong quá trình dự thảo luật về việc xử lý xử phạt vi phạm hành chính, những người mại dâm và sử dụng ma túy đã gặp gỡ với Ban dự thảo luật. 

 

Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai hiện hành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo với các tổ chức phi chính phủ Việt Nam để nghe tiếng nói của người nông dân. Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình; trong đó ban dự thảo đã tiến hành các cuộc khảo sát và hội thảo với các nhóm đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính, để xem xét các vấn đề như quyền và lợi ích của các cặp đôi cùng giới và chuyển đổi giới tính. 

 

Việc tham khảo ý kiến của cộng đồng về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một cách tốt để giáo dục và lắng nghe cộng đồng về việc xây dựng Hiến pháp mới. Quá trình cải cách Hiến pháp là một cơ hội rất tốt để Việt Nam tăng cường bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Những năm qua, công tác nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên đã đạt được một số kết quả. Trong các quyền về dân sự, chính trị của người dân từng bước được hoàn thiện và bảo đảm thực hiện. Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 trong đó có việc xóa bỏ hình phạt tử hình đối 8 tội danh. Qua đó giảm số tội danh có áp dụng án tử hình từ 29 xuống còn 22 tội. 

 

Đối với người chưa thành niên phạm tội không áp dụng hình phạt tù chung than hoặc tử hình; bổ sung một số tội danh liên quan đến khủng bố. Một số nội dung khác của Bộ Luật Hình sự tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tính nhân đạo và hài hòa với các quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm. 

 

Hiện tại, Việt Nam cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 theo hướng đảm bảo tốt hơn các quyền của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên, trong các hoạt động tố tụng hình sự. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; các luật về tổ chức bộ máy, tổ chức chính trị xã hội đều có quy định các quyền về dân sự, chính trị của công dân. Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân đã quy định rõ hơn quyền chính trị của công dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, của xã hội theo hướng xác định rõ vai trò của Nhà nước, của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội.

 

Tính từ năm 2009 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật quan trong nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người. Các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội đã được luật hóa cơ bản và đảm bảo thực thi tốt hơn quyền con người như: Luật khám chữa bệnh; Luật lý lịch tư pháp; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Giáo dục; Bộ Luật Lao động sửa đổi. Các chính sách an sinh xã hội được cụ thể hóa trong các luật về bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội.

 

Các quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt các luật, pháp lệnh như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ Luật dân sự năm 2005, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Các quy định này đã thể hiện rất rõ chính sách xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ.

 

Trong lĩnh vực hành chính và tư pháp, các quyền con người, quyền công dân được bảo đảm tốt hơn với việc ban hành Luật Công chứng năm 2006, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012... Các luật này đã thể chế hóa một cách nhất quán chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển các nghề nghiệp luật và mạng lưới các tổ chức dịch vụ pháp lý đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. 

 

Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thể giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên Hợp Quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền, khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek