Thứ Sáu, 29/11/2024 18:58 CH
Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các nhà tài trợ quốc tế
Thứ Năm, 17/10/2013 17:18 CH

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ diễn ra sáng 17/10 tại Hà Nội với sự tham gia của trên 300 đại biểu cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ tại Việt Nam.

 

ODA-131017.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Sử dụng và quản lý hiệu quả vốn ODA

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 20 năm qua, Chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (NGO) đã luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn và hỗ trợ kỹ thuật quý báu giúp chúng tôi thực hiện thành công các mục tiêu phát triển và đổi mới đất nước.

 

“Đối với chúng tôi sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc Việt Nam còn nghèo, những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau và chúng tôi thật sự xúc động khi sự giúp đỡ đó không chỉ đến từ các Chính phủ, các tổ chức tài trợ mà còn là sự đóng góp của rất - rất nhiều người dân, khi mà chính đất nước các bạn cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn của khủng hoảng kinh tế, hậu quả nặng nề của thiên tai...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn ODA tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, nhất là giao thông vận tải, điện năng, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu,…

 

Nguồn vốn ODA cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường năng lực thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến,…Thông qua thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn ODA đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành như tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Nhắc lại thời điểm này 20 năm trước, khi cộng đồng tài trợ quốc tế chính thức nối lại viện trợ, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển, và hôm nay bằng nội lực của mình, cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên chuyển đổi và phát triển thành công trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa của bạn bè quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam củng cố vững chắc thành quả đã đạt được, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững, thịnh vượng. Đồng thời Việt Nam cũng sẽ tích cực đóng góp phần mình để hỗ trợ các quốc gia, các đối tác trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển, cùng thịnh vượng.

 

Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các nhà tài trợ

 

Nhìn lại chặng đường đã qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn không ít bất cập và hạn chế. Đó là năng lực hấp thu viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch, thủ tục trong nước vẫn còn vướng mắc, khác biệt với quy định của các nhà tài trợ quốc tế.... Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các các nhà tài trợ quốc tế, tôi tin rằng  các bất cập và hạn chế này đã và đang được khắc phục, cải thiện tốt, có hiệu quả.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam và các nhà tài trợ hợp tác tốt hơn trong thời gian tới:

 

Thứ nhất, vai trò làm chủ của quốc gia về chủ trương, chính sách và các mục tiêu phát triển với sự đồng tình và ủng hộ của các đối tác phát triển. Đây là yếu tố thể hiện tinh thần tự chủ, phát huy mạnh mẽ nội lực của chính mình và là một yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ đối tác hợp tác phát triển hiệu quả.

 

Thứ hai, đảm bảo “nguồn lực đối ứng”. Việc bảo đảm nguồn lực đối ứng kịp thời, phù hợp là sự thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao của Chính phủ trong quan hệ đối tác hợp tác phát triển.

 

Thứ ba, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiến gần tới các chuẩn mực quốc tế. Các quy định quản lý và sử dụng ODA phải ngày càng đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và hài hoà hơn với quy định của các nhà tài trợ là một yếu tố quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ODA.

 

Thứ tư, nâng cao chất lượng đối thoại chính sách phát triển: Trong bối cảnh phát triển mới (thay cho Hội nghị CG) Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VPDF) tập trung đối thoại về chính sách và mở rộng sự tham gia của các bên, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm  2011-2020, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực đi đôi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế.

 

Chính phủ Việt Nam chủ trương trước hết phát huy tối đa nội lực, mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư cho phát triển, đồng thời thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Trong đó, nguồn lực ODA luôn giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược, bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án về phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Chính phủ Việt Nam sẽ luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế - Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các bạn”.

 

Trên nền tảng vững chắc của quan hệ đối tác phát triển đã được xây dựng và thử thách trong 20 năm qua, Thủ tướng tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và các cộng đồng nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nhằm  hỗ trợ Việt Nam củng cố vững chắc thành quả phát triển đã đạt được – không mắc phải “bẫy thu nhập trung bình”, tiếp tục đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tích cực đóng góp sức mình để hỗ trợ các quốc gia và đối tác khác trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển.

 

Tại lễ kỷ niệm, đại diện Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các tổ chức Liên Hợp Quốc (UN), Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc đại diện cho cộng đồng các nhà tài trợ tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu kinh tế- xã hội và xoá đói, giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được trong 20 năm qua, mỗi quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp được Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ dày công vun đắp.

 

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm thấy rằng tuy Việt Nam đã đạt được mức phát triển của nước thu nhập trung bình song mới đạt mức thấp nhất của nhóm các nước có thu nhập trung bình và Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng trên nền tảng quan hệ đối tác đã được xây dựng và phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong thời gian qua, với tư duy, định hướng va những chính sách hợp tác phát triển trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam và bối cảnh hợp tác phát triển toàn cầu theo tinh thần Văn kiện đối tác Busan về quan hệ hợp tác phát triển hiệu quả, mối quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và vững chắc.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek