Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của thế giới đương đại, vị thống soái quân đội kiệt xuất của Việt Nam, người bạn tuyệt đối trung thành của nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Bác Hồ và là người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi về với tổ tiên ngày 4 tháng 10 năm 2013.
Tác giả với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập khí công - Ảnh: M.KÝ
Nghe tin Anh Cả mất chỉ sau 30 phút, tôi thật sự xúc động và đau buồn. Anh Cả ra đi là điều đã được đoán trước vì anh đã sống quá 33 năm cái tuổi mà ông Đỗ Phủ cho rằng lớp người xưa nay hiếm: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, cũng quá cái tuổi mà ước vọng của dân ta với lớp người cao tuổi: “Chúc ông bà sống lâu trăm tuổi”, “chúc đôi vợ chồng bách niên giai lão” và cũng đã vượt khá xa đối với sự tổng kết của thế gian:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
(Tạm dịch: Người đẹp từ xưa như tướng giỏi
Chẳng để nhân gian thấy bạc đầu).
Cái điều mà mọi người đều mong, đợi nhất là lớp cựu chiến binh chúng tôi, là cầu mong Anh Cả sống lâu hơn nữa, vì đó là niềm tự hào có một vị tướng kiệt xuất thế giới, một vị tướng trung dũng, một người anh hết lòng thương đồng đội và nhân dân.
Tôi không phải là người được thường xuyên gặp Đại tướng nhưng những lần gặp Đại tướng để lại trong tôi nhiều xúc động và kính trọng, biết ơn. Khi còn là học sinh Trường Lương Văn Chánh (Phú Yên), nghe ông được phong Đại tướng, tôi hình dung ông phải là một người to lớn lắm và giọng nói âm vang như sấm rền.
Khi nhập ngũ vào Khánh Hòa chiến đấu trong lòng địch từ 1950 đến 1954, tôi được đọc tin tức của Sài Gòn tả trận chiến ở Điện Biên Phủ: “Trọng pháo của Tướng Giáp đã nhận chìm lòng chảo Mường Thanh trong lửa đạn, làm rung chuyển hầm Đờ Cát”. Tôi hình dung cặp mắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải tinh tường và sắc sảo.
Khi được tập kết ra Bắc đến tháng 4/1956, tôi được cử về học Trường Lục quân Việt Nam. Mong ước to lớn nhất khi đặt chân lên đất Bắc là được gặp Bác và Đại tướng. Dịp may đến, Đại tướng đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên dành cho học sinh miền Nam của Trường Lục quân ra mắt bà con đồng bào thủ đô và trong cả nước. Khi thấy Anh Cả và nghe Anh Cả nói, thì những gì tôi tưởng tượng khi còn trong Nam đều hết chỗ đứng. Người Đại tướng cũng không cao hơn chúng tôi, còn giọng nói vẫn giữ nguyên âm điệu người Quảng Bình nhẹ nhàng trầm ấm, chan hòa thân thương.
Một kỷ niệm mà tôi nhớ về Đại tướng là vào đêm giao thừa Bính Thân - 1956, anh em học viên người đánh tu lơ khơ, người đọc sách, người viết thư thì nghe tiếng xe con đậu xịch ngoài cửa. Chúng tôi chạy ra xem, thì thấy Đại tướng bước ra xe và vào phòng. Chúng tôi đứng nghiêm chào. Đồng chí trực ban ăn mặc đúng tác phong điều lệnh rập chân báo cáo:
- Báo cáo Đại tướng, quân số có mặt: 73, trừ số học viên người miền Bắc được nghỉ phép về ăn tết với gia đình, nội vụ có hơi lộn xộn. Báo cáo hết.
Nội vụ lộn xộn mà đồng chí báo cáo vì trời mưa mấy ngày, quần áo giặt không khô nên được phép phơi trong phòng.
Thấy Đại tướng với nét mặt rất vui, chào và bắt tay đồng chí trực ban nên chúng tôi mạnh dạn xúm xít quanh Đại tướng. Đại tướng hỏi: Các đồng chí có khỏe không? Giao thừa nhà trường có tổ chức gì cho anh em không? Đại tướng chúc mọi người năm mới mạnh khỏe, học tập tốt để xây dựng quân đội ta hùng mạnh tiến lên chính quy và hiện đại. Đại tướng chào chúng tôi, rồi bắt tay từng người, tôi được cầm tay Đại tướng mà sao nóng ran trong lòng.
Tiễn Đại tướng ra về, chúng tôi không dám đi quá phạm vi của đơn vị mình, đành trở về phòng với lòng cảm kích sâu sắc về những cử chỉ của Đại tướng vừa rồi cho đến khi có lệnh trực ban báo là học viên miền Nam nhanh chóng ăn mặc chỉnh tề tập họp lên hội trường ban giám hiệu để lãnh đạo chúc tết. Hai đồng chí gác cổng khi thấy Đại tướng đến thăm cũng có mặt và kể: “Khi Đại tướng đi xe đến bọn mình chào đúng điều lệnh chào Đại tướng và hỏi đồng chí có giấy tờ gì không thì Đại tướng đáp:
- Tôi vào thăm anh em nên không đem giấy tờ. Biết tôi rồi có cho thì tôi vào, không cho tôi về.
Bọn mình hoảng quá nhưng cũng chững chạc báo cáo: “Báo cáo Đại tướng chờ tôi vào báo cáo trực ban”. Đồng chí trực ban ra lệnh mở cổng mời Đại tướng vào. Đại tướng đi rồi, bọn mình cũng hoảng nhưng đồng chí trực ban an ủi là không sao. Nhưng bọn mình vẫn lo”.
Sau đó, các đồng chí gác cổng được nhà trường biểu dương vì đã nghiêm túc thực hiện điều lệnh và Đại tướng gửi lời khen nhà trường đã giáo dục học viên tốt.
Bài học trong đời lính của tôi là học ở Đại tướng lối sống không quan cách, gần gũi và thân mật với anh em.
Về cuối đời, có một điều tôi cũng vô cùng biết ơn Đại tướng, người Anh Cả của tôi. Vào năm 1985, tôi bị lao, sau 2 năm chữa trị bệnh tình tương đối ổn định nhưng cánh tay chưa giơ lên được. Tôi đang rất lo thì nghe ở Hà Nội có phong trào tập khí công dưỡng sinh rất tốt, cả Đại tướng và một số cán bộ cao cấp như Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tham gia. Nhất là khi nhận được quyển Hội nhập con người thật của khí công sư Bùi Long Thành và tấm ảnh Đại tướng với chiếc áo màu xanh có ba sọc trắng đang chấp tay luyện công thì tôi vô cùng tin tưởng và đã theo đuổi môn này đến 16 năm, sức khỏe được hồi phục. Có anh em chưa biết hỏi: Nay anh mấy tuổi? Tôi đáp: 83. Một số không tin bảo tôi cao lắm là 70. Tôi mừng vì đã theo Anh Cả luyện tập dưỡng sinh vì tin tưởng theo anh là đúng.
Vĩnh biệt người thầy, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là người Anh Cả thật sự của tôi đã giúp tôi vượt bao khó khăn trong chiến đấu cũng như lúc về già.
Vì điều kiện không thể ra Hà Nội viếng Anh. Từ quê nhà Phú Yên, tôi xin thành kính thắp nén hương lòng lạy Anh 2 lạy để tưởng nhớ công lao dạy dỗ của Anh, và cầu mong hương hồn Anh Cả linh thiêng phù hộ cho đất nước văn minh, giàu mạnh, độc lập tự do để nhân dân đời đời hạnh phúc.
ĐẶNG CA