Thứ Bảy, 30/11/2024 12:43 CH
APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối
Thứ Ba, 08/10/2013 17:50 CH

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thúc đẩy đàm phán TPP

 

Sau hai ngày làm việc khẩn trương và liên tục, chiều 8/10, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã chính thức bế mạc.

 

APEC-131008.jpg
Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC - Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua 2 Tuyên bố “Châu Á-Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và “Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới”, cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Tuyên bố của hội nghị đã nhấn mạnh các thành viên APEC nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. 

 

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 được tổ chức tại Indonesia đã thành công tốt đẹp, đề ra những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế APEC, khẳng định quyết tâm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự cường, là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Thành công của Hội nghị Cấp cao cùng với rất nhiều hoạt động quan trọng của APEC mà Indonesia chủ trì tổ chức trong cả năm 2013 đã góp phần đề cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Indonesia. Sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam và các thành viên ASEAN khác đã góp phần củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong khuôn khổ APEC nói riêng và cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Các nhà lãnh đạo APEC cũng chúc mừng Trung Quốc sẽ là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22, được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh trong năm 2014. 

 

Trong ngày làm việc thứ hai (8/10), Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình”, và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng - an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Các nhà lãnh đạo APEC đều cho rằng để thực hiện các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối. Theo đó, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC” về hạ tầng, thể chế và giữa người dân và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Đây là những khuôn khổ hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy sự gắn kết và lưu thông giữa các nền kinh tế trong khu vực. Các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015, Chiến lược Cải cách cơ cấu APEC nhằm tăng cường minh bạch hóa và khả nâng cạnh tranh của các nền kinh tế, Sáng kiến tạo thuận lợi cho đi lại trong khu vực và tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến và biện pháp mới cũng đã được nhất trí thông qua, nổi bật là thành lập Quỹ APEC thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, thực hiện mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên đại học mỗi năm vào năm 2020. 

 

Trong bối cảnh các cơ chế liên kết kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương được đẩy mạnh những năm qua, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí cho rằng APEC cần giữ vai trò điều phối, chia sẻ thông tin giữa các cơ chế liên kết quan trọng ở khu vực, hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã có phiên họp quan trọng để trao đổi sâu rộng về hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững gắn với công bằng. Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến hợp tác các vấn đề liên quan đại dương là những thỏa thuận nổi bật được thông qua tại Hội nghị lần này. Các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí cần khuyến khích các thành phần xã hội tham gia hoạt động kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, sáng tạo, hợp tác chống tham nhũng, an sinh xã hội, y tế … Đây là những nội dung rất thiết thực bảo đảm tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới hình thành một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.

 

Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh kết nối đã trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong thế kỷ 21 do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ việc thông qua và sớm triển khai “Khuôn khổ kết nối APEC”, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, an ninh lương thực và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thành viên APEC có thể có những đóng góp ý nghĩa đối với hợp tác tiểu vùng Mê Công, đặc biệt trong các chương trình kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

 

Về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới về an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực này cần trở thành nội hàm ưu tiên của các cơ chế APEC. Là dân tộc mà quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với văn minh lúa nước và hiện trở thành một trong những quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng, đã và đang tích cực tham gia hợp tác ở mọi cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương. Việt Nam mong muốn và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung của APEC.

 

Trước đó, sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo Diễn đàn các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, là các nước quan sát viên của Diễn đàn APEC. Cuộc họp đã trao đổi về những vấn đề đang đặt ra trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và kết nối khu vực, trong đó Nam Thái Bình Dương là một phần không thể thiếu của châu Á-Thái Bình Dương.

 

CTN-131008.jpg

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự cuộc gặp lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). - Ảnh: TTXVN

* Theo đặc phái viên TTXVN, ngay sau khi kết thúc hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21, chiều 8/10, cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Peru, Singapore và Việt Nam, đã diễn ra tại Bali, Indonesia.  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp. 

 

Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” và “Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại Hiệp định Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”. Các nhà lãnh đạo khẳng định Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu.  Các nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán theo lộ trình, giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong năm 2013 nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. 

 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá của các thành viên cùng quyết tâm thúc đẩy đàm phán.  Chủ tịch nước đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại. Có thể nói, Hiệp định TPP, cùng với các cơ chế liên kết kinh tế quan trọng khác trong khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN với các đối tác, Diễn đàn APEC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đang tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng động, duy trì vai trò đầu tàu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới của khu vực, tiến tới hình thành Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek