Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của ĐBQH tỉnh, nhiều cử tri đề nghị Nhà nước có chính sách bảo vệ, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với những công dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Ngày 12/9/2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Công văn số 2064 trả lời vấn đề này như sau:
Bảo vệ người chống tham nhũng và động viên, khen thưởng người phát hiện tham nhũng là những chính sách quan trọng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố cáo, Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 6/5/2011 của Bộ Nội vụ và TTCP về khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.
Một số địa phương cũng chủ động ban hành quy chế bảo vệ, khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng và tổ chức biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng. Thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TTCP đang tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật hiện hành, yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo nói chung, những quy định về bảo vệ người tố cáo nói riêng đang ngày càng được hoàn thiện. Luật Tố cáo, lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành 1/7/2012 đã dành hẳn 1 chương (Chương V, Điều 34 đến Điều 40) để quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, Điều 34 của luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định. Cũng theo quy định của điều này, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt..., thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ. Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo; đồng thời, cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ và các nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tại nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
Triển khai thực hiện Luật Tố cáo, ngày 3/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 20/11/2012) quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo, bao gồm các nội dung cụ thể: Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và quyền nhân thân khác của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; bảo vệ việc làm đối với người tố cáo, người thân thích của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức.
Có thể nói rằng quy định của pháp luật hiện nay về bảo vệ người tố cáo đã có một bước phát triển rất lớn so với các quy định trước đó, là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tạo niềm tin và đảm bảo chắc chắn để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.