Kỳ 2: Lạt mềm… buộc chặt niềm tin
Có được niềm tin tuyệt đối về sự lãnh đạo của Đảng trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong toàn dân thì không có thế lực phản động nào lay chuyển được. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đồng bộ các giải pháp trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực: Tư tưởng chính trị, KT-XH, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống… từ đó xây dựng được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Giữa mùa hè oi ả, chúng tôi bắt gặp những mùa xanh tươi mát, mùa vàng bội thu và những đàn bò no cỏ khi về các xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Thiết kế: TRẦN QUỚI |
Đối với bà con đồng bào DTTS miền núi, không bài vở tuyên truyền, giáo dục nào hiệu quả bằng “trực quan sinh động” với các mô hình kinh tế chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được ấm no, những chuyện khác sẽ rất dễ dàng.
Chăm lo đời sống đồng bào ấm no
Chăm lo đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Những năm gần đây, bộ mặt các vùng miền núi, đồng bào DTTS vùng giáp ranh các tỉnh Tây Nguyên đã thay đổi tích cực với nhiều gam màu mới. Đời sống vật chất của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt bằng nội lực, thông qua các chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH miền núi, các hoạt động an sinh xã hội.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly Trương Thị Thu Hà cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Sông Hinh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất đã triển khai hiệu quả, giúp cho Ea Ly có những bước chuyển biến đáng kể: Kết cấu hạ tầng được xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và lưu thông; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm; Ea Ly bước đầu đã hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 5…
Hai xã miền núi đặc biệt khó khăn là Ea Lâm (Sông Hinh) và Krông Pa (Sơn Hòa), chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục. Ea Lâm từ “7 không” trong những năm đầu thành lập, đến nay đã có đầy đủ và có thêm nhiều cái “có” khác. Đặc biệt là đời sống cả vật chất và tinh thần người đồng bào nơi đây không ngừng cải thiện, nâng cao.
Năm 2018, Trạm bơm Ea Lâm 1 đi vào hoạt động, tưới nước cho cánh đồng 21,4ha vùng bán ngập. Năm 2021, trạm bơm Ea Lâm 2 tiếp tục hoàn thành, mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ lên 74ha, năng suất bình quân từ 60-70 tạ/ha, điều mà trước đây chưa bao giờ bà con mơ thấy khi làm lúa rẫy. Ma Quynh (buôn Bưng A), từng là đối tượng nghe kẻ xấu theo Tin lành đấng Christ Tây Nguyên (CHPC), sau khi được tuyên truyền giáo dục đã thay đổi nhận thức, nhiệt tình tham gia mô hình lúa nước đầu tiên. Chẳng những vậy, Ma Quynh còn hiến đất ruộng của mình để làm đường kênh mương. Từ đó, Ma Quynh lo làm ruộng, không còn lén lút họp kín với các đối tượng xấu.
Thiết kế: TRẦN QUỚI |
Về xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), xã giáp ranh với xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai), luôn nghe bà con nhắc đến câu chuyện cổ tích trồng lúa nước, bài học kinh nghiệm quý, ngày càng làm cho cái bụng đồng bào được ấm no, hạnh phúc, từ đó bà con sẽ đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Từ khi có Trạm bơm Buôn Lé, được chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn, bà con thay đổi tập quán làm lúa rẫy sang lúa nước. Vụ đầu tiên trúng mùa, năng suất đạt 68 tạ/ha, sản lượng 241,4 tấn, cả xã ai cũng phấn khởi. Năm 2014 chỉ có 35,5 ha với 77 hộ tham gia, đến nay diện tích tăng lên 103ha với 243 hộ sản xuất lúa nước.
Già làng Ma Thoan, người có uy tín buôn Lé B và cả xã Krông Pa nói: “Mình làm lúa rẫy, ăn nước trời, mỗi năm chỉ gieo một vụ, năng suất lẹt đẹt 15 tạ/ha, hết vụ bỏ đất hoang, đói giáp hạt. Nay Đảng, Nhà nước đầu tư trạm bơm, san gạt đồng ruộng, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ giống, vật tư để trồng lúa nước. Năng suất vụ đầu đã đạt 68 tạ/ha. Bà con mình, ai cũng ưng cái bụng lắm!”
Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Lơ Mô Tu nói: “Hiệu quả từ chương trình lúa nước này lớn lắm, lợi ích nhiều mặt. Năng suất cao, sản lượng nhiều, bà con trước đây đói giáp hạt, bây giờ không chỉ đủ ăn quanh năm, mà còn có dư để bán, thêm thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… đặc biệt là không phát sinh vấn đề tư tưởng, bị các đối tượng xấu lôi kéo”.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Không chỉ chăm lo phát triển các mô hình kinh tế, các xã ở 3 huyện miền đều rất quan tâm đến đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khởi dậy tình yêu quê hương, bảo tồn vốn quý của đồng bào các dân tộc, từ đó bà con như được tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không nghe các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ theo các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo.
Hầu hết các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều tổ chức ngày hội văn hóa, thu hút đông đảo đồng bào địa phương và khách các vùng lân cận tham gia, như: Cà Lúi, Phước Tân, Krông Pa (huyện Sơn Hòa), buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng), xã Xuân Lãnh, Đa Lộc (huyện Đồng Xuân)…
Vốn quý văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, đời sống tinh thần đồng bào luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo. Thiết kế: TRẦN QUỚI |
Năm 2023, lần đầu tiên xã Ea Ly tổ chức lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng, truyền thống của đồng bào Tày - Nùng), đã thu hút hơn 300 nghệ nhân cùng với hàng ngàn người dân trong xã và các địa phương lân cận tham dự. “Điều đáng nói là lễ hội có sự tham gia công tác chuẩn bị gần cả năm trời của tất cả đồng bào dân tộc trên địa bàn xã một cách tự nguyện. Đến nay các thôn trong xã đều có CLB đàn tính, hát then, CLB cồng chiêng hoạt động rất sôi nổi”, Bí thư Đảng ủy xã Trương Thị Thu Hà phấn khởi nói.
Không chỉ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần bà con trong buôn, trong xã, nét đẹp văn hóa cồng chiêng, thổ cẩm, lễ hội truyền thống của đồng bào được phục dựng để phục vụ khách du lịch với mô hình du lịch văn hóa cộng đồng.
Tiêu biểu là buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh), thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa), thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân). Bước đầu, bà con ở đây đã hình thành sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, có thêm thu nhập, nâng cao giá trị đời sống.
Tháng 7/2024, thôn Xí Thoại ra mắt Tổ du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” và nghề dệt thổ cẩm để thu hút khách du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Hồ Thanh Hải cho biết, thôn Xí Thoại có trên 200 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, 95% dân số là người dân tộc Ba Na, Chăm. Bà con ở đây rất tự hào về truyền thống văn hóa của mình; nghệ thuật “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” là tài sản quý của đồng bào. Đây chính là “sợi dây tinh thần” để bà con ở đây chăm lo làm ăn, không bị lôi kéo, xúi giục theo các tổ chức phản động núp bóng tôn giáo để chống phá Nhà nước, chống lại buôn làng.
Song song với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các huyện miền núi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Cách đây không lâu, một gia đình ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) tổ chức lễ cúng bỏ mả, trả “nợ miệng” cho dòng họ, buôn làng mà giết đến 50 con bò, hàng chục con heo, gà, diễn ra mấy ngày đêm liền, rất tốn kém. Sau lễ cúng, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Thấy được sự nguy hại này, tháng 1/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh ban hành Chỉ thị 21 về “tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán không còn phù hợp trên địa bàn”. Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nay Y Blung nói: Văn hóa truyền thống của đồng bào mình là cái đẹp, vốn quý phải giữ gìn. Tập tục thì có cái đẹp, cái xấu. Bác Hồ dạy rồi: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Không vin vào “truyền thống” mà khư khư cái cổ hủ, lạc hậu, như: hủ tục nối dây, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, nghi kỵ thuốc độc, ma lai, tổ chức lễ hội linh đình quá mức đời sống kinh tế…
Kỳ cuối: Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
TRẦN QUỚI - PHẠM THÙY