KỲ CUỐI: Vươn ra thị trường lớn
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Đảng bộ huyện Đồng Xuân đã cụ thể hóa thành các chương trình, chính sách cụ thể, hướng tới khai thác nguồn lực văn hóa theo hướng bền vững.
Mục tiêu của huyện Đồng Xuân là đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Ban Na thôn Xí Thoại “vươn mình” ra khỏi buôn làng để đến với thị trường rộng lớn hơn.
Phát huy trách nhiệm các cấp ủy đảng
Huyện miền núi Đồng Xuân hiện có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 19,5% dân số toàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân luôn xác định: Việc duy trì, bảo tồn và gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, UBND các cấp, cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện.Trong đó, Đảng bộ huyện Đồng Xuân luôn phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; UBND huyện và các ngành chức năng cụ thể hóa thành các chương trình, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS và hướng tới khai thác nguồn lực văn hóa theo hướng bền vững.
Đối với làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, Đảng bộ huyện Đồng Xuân định hướng: Cùng với nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một nét đẹp văn hóa có giá trị đặc biệt đối với cộng đồng người dân tộc Ba Na tại Xí Thoại nói riêng và toàn huyện nói chung. Huyện Đồng Xuân luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác giữ gìn, khôi phục và phát triển làng nghề dệt Xí Thoại. Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, làng nghề được UBND tỉnh công nhận, đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của cộng đồng người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại.
Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười cho biết: Về lâu dài, huyện Đồng Xuân tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở trưng bày các sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương, tạo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân làng nghề. Mục tiêu của huyện là phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng, là động lực thu hút khách du lịch đến với huyện Đồng Xuân.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Huyện ủy Đồng Xuân tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn địa phương và người dân, Tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng thôn Xí Thoại tăng cường quảng bá, giới thiệu với khách du lịch, bạn bè quốc tế về các sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại; tăng cường hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập cho người dân. Địa phương cũng định hướng, vận động người dân làng nghề tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, chế tác sản phẩm dệt ngày càng hiện đại, độc đáo hơn và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na bản địa.
Hành trình không đơn độc
Theo ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh: Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại được hồi sinh và phát triển như hôm nay là cả một hành trình nỗ lực của nhiều thế hệ người dân thôn Xí Thoại để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Hành trình đó luôn có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương cũng như các sở, ngành liên quan.
Năm 2016, từ nguồn kinh phí khuyến công, Sở Công Thương phối hợp huyện Đồng Xuân triển khai Đề án bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại, gồm 5 hạng mục: đào tạo nghề; đầu tư trang thiết bị (khung dệt, len chỉ thêu); học tập, tìm kiếm, du nhập nghề; thiết kế mẫu mã và sản xuất thử một số dòng sản phẩm mới. Đây là tiền đề để người dân Xí Thoại bắt đầu tìm hiểu, học hỏi nhằm tạo ra được các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Những năm tiếp theo, ngành Công Thương thường xuyên tạo điều kiện để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại giới thiệu, quảng bá tại nhiều chương trình hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Từ tháng 4/2022, UBND huyện Đồng Xuân phối hợp tổ chức MCNV (tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền sức khỏe và hòa nhập xã hội của các nhóm thiệt thòi tại Việt Nam) triển khai dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào DTTS huyện Đồng Xuân”. Theo đó, tổ chức MCNV hỗ trợ 13 bộ khung dệt, 2 tủ kính trưng bày sản phẩm; tổ chức 2 lớp tập huấn cho phụ nữ thôn biết cách lên khung, tạo hoa văn vải dệt. Dự án cũng hỗ trợ một số thành viên tổ dệt tham gia tập huấn tại HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara (tỉnh Quảng Nam) để tạo ra các sản phẩm dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch; hỗ trợ liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, quảng bá tiếp thị sản phẩm… Nhờ vậy, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã làm được 20 sản phẩm mới được rất nhiều du khách ưa chuộng.
Khát vọng vươn xa
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để tự đổi mới, người dân làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại ngày càng năng động, tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2023, Tổ dệt thổ cẩm Xí Thoại được mời tham gia trình diễn sản phẩm dệt thổ cẩm kết hợp với biểu diễn nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho khách tham quan, du lịch tại Công ty TNHH Khách sạn Zannier Bãi San Hô (TX Sông Cầu). Đơn vị này đã đặt hơn 300 sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại để cung cấp cho du khách.
Mới đây, nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại được Công ty TNHH Lữ hành Đại Hữu hỗ trợ tham gia triển lãm tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, khách tham quan không chỉ được thưởng thức tài nghệ dệt thổ cẩm trên khung cửi của các nghệ nhân làng Xí Thoại, mà còn được trải nghiệm mặc trang phục của người Ba Na cũng như tìm hiểu ý nghĩa của hoa văn, các phụ kiện trên trang phục. Hoạt động này đã thu hút rất đông du khách, nhất là khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu.
Trực tiếp tham gia biểu diễn tại Hà Nội, nghệ nhân Sò Thị Chuyển, cho biết: “Tôi rất tự hào khi lần đầu tiên được mang sản phẩm của đồng bào mình đi giới thiệu tại Thủ đô Hà Nội. Trong những ngày trưng bày, rất nhiều khách hàng đến tham quan, trải nghiệm gian hàng của Xí Thoại, đặc biệt là khách nước ngoài. Gần như những sản phẩm tôi mang theo đều được mua hết. Đây là tín hiệu tốt để người dân Xí Thoại có thể tự tin hơn trong việc đưa sản phẩm đi xa hơn”.
Theo UBND xã Xuân Lãnh, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho 40 hộ dân; trong đó 30 người có việc làm thường xuyên, ổn định. Thu nhập của người dân làng nghề ngày càng tăng cao. Năm 2022, tổng doanh thu làng nghề đạt 370 triệu đồng; lợi nhuận 336 triệu đồng. Năm 2023, tổng doanh thu đạt 624 triệu đồng; lợi nhuận 576 triệu đồng. Trong đó, những người làm việc chuyên nghiệp có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng; người làm không chuyên từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng.
Về định hướng phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười xác định: Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, mục tiêu sau cùng của địa phương là giúp người dân sống được với nghề, tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Địa phương đang làm việc với một số nhà đầu tư nghiên cứu các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; kết hợp giữa du lịch cảnh quan sinh thái với trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và thưởng thức ẩm thực, rượu cần của đồng bào dân tộc Ba Na. Đặc biệt, vừa qua sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại được tỉnh lựa chọn làm quà tặng cho một số nước châu Âu và trưng bày, giới thiệu tại Hà Lan. Đây là tín hiệu tốt để Đồng Xuân hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con đồng bào Ba Na thôn Xí Thoại vươn xa hơn, có thể tiếp cận với các thị trường nước ngoài.
NGÔ XUÂN - THIÊN LÝ