Thứ Năm, 21/11/2024 18:05 CH
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ Hai, 25/12/2023 11:00 SA

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt (bìa trái) và Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú (thứ hai từ trái qua) thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc ở xã Xuân Hải, TX Sông Cầu. Ảnh: VĂN TÀI

Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trong đó việc hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị KHCN&ĐMST ngày càng rõ nét.

 

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

 

Đến nay, chương trình phối hợp, hợp tác về KHCN&ĐMST giữa tỉnh Phú Yên với Bộ KH&CN đã triển khai 17 nhiệm vụ cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh và ứng dụng vào thực tiễn 26 quy trình nuôi trồng, sản xuất; 63 mô hình thực tế; 2 bộ cơ sở dữ liệu và các giải pháp phục vụ dự án phát triển kinh tế ven biển; giám sát chất lượng nước nuôi trồng thủy sản...

 

Các nhiệm vụ thuộc chương trình KH-CN và nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia tập trung vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề bức thiết của địa phương như: Xác định cơ chế bồi lấp, sạt lở và đề xuất giải pháp ổn định các cửa sông; giải pháp xử lý ô nhiễm và quản lý môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng bè tập trung; giải pháp chỉnh trị chống sa bồi luồng tàu cho các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền; nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược marketing trong liên kết du lịch 4 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk - Gia Lai; nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm; nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng hại sắn; cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện đề án Thành lập công viên địa chất toàn cầu hướng đến công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

 

Đối với chương trình hỗ trợ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và dân tộc, các nhiệm vụ tập trung hỗ trợ chuyển giao quy trình, tạo ra mô hình tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, như: Trồng cây ba kích, nuôi chim yến, nhân giống và trồng thâm canh chuối theo quy mô công nghiệp, sản xuất bắp và ủ thức ăn từ bắp, sản xuất giống và nuôi hàu Thái Bình Dương, ương nuôi cá chình hoa, sản xuất cua lột theo chuỗi từ sản xuất giống, ương nuôi cua nguyên liệu đến sản xuất thương phẩm… Qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.

 

Nhiều mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với quy mô khá lớn, đủ điều kiện sản xuất thành hàng hóa cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên, đến nay đã chuyển giao được quy trình công nghệ nuôi hoàn chỉnh, cung cấp cơ sở khoa học để quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn.

 

Dự án cũng xây dựng 4 mô hình nuôi chim yến, chuyển giao 6 quy trình nuôi, vận hành các mô hình; đào tạo tập huấn 150 lượt người, quy hoạch 4 vùng nuôi chim yến tập trung. Đến năm 2030, dự kiến hình thành 10 vùng nuôi chim yến giúp Phú Yên phát triển nghề nuôi có tiềm năng, đem lại nguồn lợi kinh tế bền vững cho người dân.

 

Về nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã thực hiện đề tài cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên đã hoàn thiện được công nghệ nuôi theo công nghệ tuần hoàn (RAS)” tại Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; dự án cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK một hạt sử dụng cho một số cây trồng bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững” tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina.

 

Ngoài ra, Sở KH&CN đã huy động nguồn lực tài chính của trung ương và ngoài ngân sách để tổ chức thành công các nhiệm vụ KH-CN, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Giai đoạn 2021-2023, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai 6 nhiệm vụ cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện 45,72 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ 27,9 tỉ đồng.

 

Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2023. Ảnh: VĂN TÀI

 

Tiếp tục đặt hàng nhiều nhiệm vụ KH-CN

 

Việc ký kết chương trình hợp tác thí điểm triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự quan tâm đặc biệt của Bộ KH&CN đối với tỉnh thông qua việc ưu tiên xem xét và bố trí nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ KH-CN. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều mô hình được triển khai với quy mô lớn làm cơ sở thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

 

Mặt khác, việc thí điểm đề xuất đặt hàng từ địa phương thông qua nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đều xuất phát từ nhu cầu rất cần thiết với địa phương. Hầu hết kết quả sau nghiên cứu đều được bàn giao để địa phương có thể nhân rộng ngay mà không cần bước thử nghiệm qua một nhiệm vụ khác.

 

Đây là điểm khác biệt so với các nhiệm vụ quốc gia khác do các viện, trường tổ chức đề xuất đặt hàng. Điều này đã tạo được sự chuyển biến trong cả nhận thức và hành động của các cấp, ngành, nhất là trong việc lồng ghép với các chính sách chung của tỉnh nên đã huy động được nguồn lực để tập trung giải quyết một số vấn đề lớn thông qua việc triển khai nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới, các công nghệ tiên tiến làm tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

 

Hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng 10 đề xuất đặt hàng cấp quốc gia để Bộ KH&CN xem xét, đề xuất hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu các nhiệm vụ cấp thiết thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

 

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các ngành, các cấp hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, có lợi thế của địa phương. Trước mắt, tiếp tục tăng cường hơn nữa về phối hợp, hợp tác trong nước và quốc tế để huy động mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST của tỉnh, nhất là sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN.

 

Chú trọng các nội dung hợp tác với TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, kinh nghiệm triển khai các chính sách đặc thù cho KHCN&ĐMST.

 

Ngoài ra, tỉnh còn nỗ lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, kết nối vùng, quốc gia để khơi dậy tinh thần đam mê khoa học và mong muốn cống hiến, đóng góp của lực lượng lao động trẻ vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

 

Đồng thời sớm xây dựng sàn giao dịch công nghệ trực tuyến, trực tiếp để tạo được môi trường trao đổi công nghệ, kinh nghiệm ứng dụng các thành tựu KH-CN và là nơi gặp gỡ 4 nhà: nhà khoa học - nhà nông - nhà kinh doanh - nhà quản lý; đẩy mạnh ứng dụng KHCN&ĐMST, chuyển đổi số để dần hình thành thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh.

 

Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai 6 nhiệm vụ cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện 45,72 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ 27,9 tỉ đồng.

 

ThS DƯƠNG BÌNH PHÚ

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek