Năm 2022, ngành Nông nghiệp đã cán đích ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt 54 tỉ USD, khẳng định vai trò trụ đỡ, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Đặc biệt, nhiều vùng trên cả nước đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô chưa lớn nhưng phát huy được giá trị văn hóa bản địa, mang lại giá trị kinh tế cao. Tư duy của doanh nghiệp kinh doanh nông sản bắt đầu thay đổi. Đây tiếp tục là tín hiệu mừng cho ngành Nông nghiệp bứt phá trong thời gian tới. Doanh nghiệp nông nghiệp đã từng bước chuyển đổi để hướng tới thị trường cấp cao, tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần, hướng đến chất lượng sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn theo từng thị trường như thị trường Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…
Năm 2023, các chuyên gia ngành Nông nghiệp dự đoán là năm khó khăn tiếp tục kéo dài, bởi lạm phát toàn cầu sẽ lan đến những khu vực có độ trễ, quy chuẩn và tiêu chuẩn của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Việt Nam phải chủ động thích ứng, làm quen với những chuẩn mực của thế giới. Các nhà nhập khẩu thế giới không chỉ đánh giá sản phẩm nông nghiệp qua chất lượng và giá cả sản phẩm mà qua lăng kính hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trước đây, nông sản của nước ta chủ yếu là xuất khẩu thô. Việt Nam còn nhiều dư địa trong chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng đến tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm và phải “dấn thân” hơn nữa, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển bền vững.
Theo TTXVN