Đó là ông Huỳnh Trọng Thông, một VĐV chân đất đã lập nên kỳ tích khi giành HCV đồng đội nội dung 42,195km tại Tiền Phong Marathon 1992. Một năm sau đó, ông nâng thành tích cá nhân của mình, khi về thứ ba tại Giải Marathon quốc tế tại Hà Nội 1993, sau 2 VĐV của Mỹ và Hongkong(Trung Quốc).
Vận động viên chân đất lên bục vinh quang
Những ngày này, Phú Yên tập trung chuẩn bị cho Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65,giải đấu uy tín tầm quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Phú Yên. Một VĐV điền kinh từng đứng trên bục vinh quang nhận giải những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước như ông Huỳnh Trọng Thông không khỏi cảm giác rộn ràng.
Ông Thông đến với điền kinh một cách tình cờ, nhưng đạt được thành tích xuất sắc nhờ vào năng khiếu bẩm sinh. Từng được gọi vào đội tuyển điền kinh tỉnh trước những năm 1985 khi còn là tỉnh Phú Khánh, rồi ông nghỉ ngang vì chuyện gia đình. Đến năm 1989, ông trở lại trong màu áo đội tuyển điền kinh Phú Yên, tài năng của Huỳnh Trọng Thông được biết đến từ đây.
Năm 1992, cùng với Đào Thanh Quang, Trần Yên Tịnh, Phan Tấn Cường, Huỳnh Ngọc Hoàng… dưới sự dẫn dắt của HLV Phí Bắc Việtđã tạo nên một “cơn địa chấn” trên đấu trường toàn quốc, khi vượt mặt người anh em Khánh Hòa để giành chiếc HCV đồng đội nam Giải Việt dã Báo Tiền Phong năm 1992 tại Bình Định, đứng thứ tư cá nhân, trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn.
“Hồi ấy điền kinh Phú Yên được ca ngợi quá chừng, mình cũng lâng lâng sung sướng vì lần đầu tiên chạm đến thành tích cao như vậy trong lúc thể thao tỉnh nhà còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phần thưởng lúc ấy hình như là chiếc xe đạp”, ông Thông cười vui nhớ lại.
Chưa dừng lại, một năm sau đó, tại Giải Marathon quốc tế tại Hà Nội năm 1993, Huỳnh Trọng Thông đã thi đấu xuất sắc nội dung 42, 195km và về đích thứ 3 tại giải, nhưng là VĐV Việt Nam đầu tiên chạm đích (sau 2 VĐV của Mỹ và Hongkong (Trung Quốc)). Giới chuyên môn một lần nữa ngỡ ngàng trước một VĐV chân đất đã bước qua tuổi 35. Phóng viên phỏng vấn bí kíp nào giúp ông đạt được thành tích xuất sắc,ông cười vui đáp gọn: “Nhờ làm ruộng, lao động thường xuyên mà có sức bền”. Niềm vui ấy giúp ông Thông gắn bó với điền kinh và giải chạy lớn như Tiền Phong Marathon cho đến năm 2021 ông mới chấm dứt hẳn.
Người truyền lửa
Mặc dù được xem là tài năng điền kinh của tỉnh nhà, nhưng trước sau ông đến với các giải chạy bộ chuyên nghiệp bằng tinh thần tự nguyện, vui vẻ chứ không xác định con đường chuyên nghiệp. Sau khi rời sân chơi chuyên nghiệp thi đấu trong màu áo đội tuyển tỉnh Phú Yên, chân chạy người Tuy An lui về làm ruộng, tới mùa giải, ông huấn luyện nhiều thế hệ điền kinh của huyện Tuy An đạt thành tích cao tại Giải Việt dã truyền thống Báo Phú Yên hàng năm.
Ông Nguyễn Ngọc Khuê, Trưởng phòng Quản lý TDTD (Sở VHTT&DL) cho biết: Khi giải Giải Việt dã truyền thống Báo Phú Yên còn là giải đấu hàng đầu của tỉnh, dưới sự dẫn dắt của ông Huỳnh Trọng Thông đội tuyển điền kinh huyện Tuy An luôn trong tốp đầu. Trong số những VĐV ông dìu dắt có cả con trai Huỳnh Hữu Thạnh, từng được gọi vào tuyển trẻ của tỉnh từ năm 1995-2021.
Ở tuổi gần 70, do sức khỏe không cho phép nên ông không thể tham gia giải chạy uy tín lần đầu tiên được tổ chức trên quê hương Phú Yên. Nhưng tượng đài điền kinh Phú Yên Huỳnh Trọng Thông tự hào vì tỉnh nhà có một Lê Thị Tuyết, cũng từ một cô gái chân đất miền quê bước ra ánh sáng nhờ điền kinh, đang là ứng cử viên, niềm hy vọng số 1 của Phú Yên ở cự ly 42,195km.
Một niềm vui nữa là có rất nhiều VĐV phong trào của Phú Yên nói chung và Tuy An nói riêng tham gia giải chạy lần này ở nhiều cự ly. Càng vui hơn khi trong số đó có Huỳnh Hữu Thạnh, con trai ông. Dự giải lần này trong tư cách một VĐV phong trào cự ly 10 km, anh Thạnh tự tin nói: “Tôi sẽ số gắng hết sức mình để về đích với thành tích cao nhất có thể, quan trọng là vượt lên chính mình”.
QUỲNH MAI