Hợp tác phát triển KT-XH là xu thế tất yếu để các địa phương đồng hành, khắc phục điểm nghẽn, phát huy các tiềm năng, thế mạnh riêng. Sau 1 năm ký hợp tác với TP Hồ Chí Minh, Phú Yên đã đạt được những kết quả khả quan, đồng thời đúc kết kinh nghiệm để đưa ra nhiều giải pháp trong giai đoạn mới. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
* Xin đồng chí cho biết một số kết quả tiêu biểu mà Phú Yên đạt được sau 1 năm ký hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh?
- Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa Phú Yên với TP Hồ Chí Minh là một trong chuỗi ký kết của TP Hồ Chí Minh với các tỉnh duyên hải Trung Bộ; được xây dựng dựa trên vai trò đầu tàu, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh và nhu cầu hợp tác phát triển của địa phương trên các lĩnh vực: xúc tiến đầu tư, thương mại; nông nghiệp; GTVT; y tế; du lịch; KH&CN, GD&ĐT; chuyển đổi số…
TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp của thành phố chủ động, tích cực tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Phú Yên. Nhiều doanh nghiệp của thành phố tham gia đầu tư tại tỉnh, chủ yếu trên các lĩnh vực: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch - khách sạn, trung tâm thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
Hầu hết dự án triển khai hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Đoàn doanh nghiệp của Phú Yên cũng đã tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại TP Hồ Chí Minh và các sự kiện quan trọng khác như: Hội Báo toàn quốc; Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh...
Hay như trên lĩnh vực KH&CN, chuyển đổi số, hai bên đã phối hợp, triển khai và vận hành thử nghiệm Sàn giao dịch công nghệ tỉnh Phú Yên; kết nối, liên thông dữ liệu với các sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Định.
* Tỉnh có những giải pháp gì để chương trình hợp tác tiếp tục được phát huy hiệu quả trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Thẳng thắn nhìn nhận, kết quả hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Việc hợp tác ở một số lĩnh vực chưa đi vào thực chất; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Phú Yên sẽ làm việc lại với TP Hồ Chí Minh để thay đổi phương thức, cách thức phối hợp với nhau, chọn những chuyên đề cụ thể mang lại sản phẩm hợp tác.
Để chương trình hợp tác đi vào thực chất, phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, Phú Yên sẽ thành lập một ban chỉ đạo hoặc tổ công tác làm đầu mối của tỉnh để kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan của TP Hồ Chí Minh triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả hợp tác phát triển KT-XH giữa hai địa phương.
Trên cơ sở các nội dung hợp tác được ký kết, sở, ngành, địa phương của tỉnh được giao nhiệm vụ chủ động thực hiện các nội dung theo kế hoạch; đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả, có sản phẩm cụ thể. Nội dung hợp tác sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực như: Kết nối cung cầu hàng hóa; phát triển công nghiệp, thương mại; xúc tiến thương mại, đầu tư; du lịch; KH&CN; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; GTVT; GD&ĐT, y tế…
* Trong các nội dung hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vậy Phú Yên sẽ làm gì để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực?
- Phú Yên sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.
Tỉnh tích cực trao đổi thông tin danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm giới thiệu đến nhà đầu tư trong và ngoài nước khi có nhu cầu (công bố Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030 với 70 dự án trọng tâm, trọng điểm). Các dự án tập trung thuộc ngành Công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển đó là công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng với công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường.
Ngoài các cơ chế chính sách ưu đãi chung theo quy định hiện hành, Phú Yên đã ban hành chính sách ưu đãi sử dụng đất đối với các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực GD&ĐT, dạy nghề, y tế, văn hóa, TDTT, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.
* Xin cảm ơn đồng chí!
NHƯ THANH (thực hiện)