Công an tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên vừa ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, giúp người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay ưu đãi, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.
Chính sách nhân văn
Cách đây hơn 1 năm, anh L.Đ.H ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT). Không có việc làm ổn định, vợ chồng anh lại có 3 đứa con nhỏ nên kinh tế gia đình rất chật vật. Cả nhà 5 người đều trông chờ vào khoản tiền làm thuê ít ỏi của anh H, vì vợ anh phải ở nhà chăm sóc, đưa đón con.
Không riêng anh L.Đ.H, theo số liệu khảo sát, thống kê của Công an Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 1.047 người CHXAPT. Bên cạnh đó, bình quân hằng năm có thêm khoảng 300 người CHXAPT về cư trú trên địa bàn. Đa số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ thấp, không có nghề nghiệp hoặc chưa được đào tạo các nghề có thu nhập ổn định.
Trong thời gian chấp hành án phạt tù ở các cơ sở giam giữ, họ được đào tạo một số nghề chủ yếu như đan đát, may mặc, chăn nuôi, xây dựng; sau khi CHXAPT về thì chủ yếu sống bằng nghề nông, lao động tự do, làm thuê... nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giúp người CHXAPT ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, làm giảm tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm ANTT, phát triển KT-XH địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người CHXAPT. “Đây là một chính sách mới, rất nhân93 văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Nhận thức được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện tốt chính sách này, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nghiêm Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ”, đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an Phú Yên cho biết.
Theo đó, công an các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền rộng rãi Quyết định 22 đến đông đảo quần chúng nhân dân và đối tượng trong diện vay vốn biết để tiếp cận được nguồn vay. Định kỳ hằng tháng, lực lượng công an rà soát, lập danh sách người CHXAPT có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, cung cấp cho NHCSXH làm thủ tục cho vay.
“Về phần mình, NHCSXH Phú Yên đã tổ chức tập huấn đến toàn thể cán bộ NHCSXH, cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn; đồng thời phối hợp tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng và tổ chức họp bình xét vay vốn công khai, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục vay vốn đúng quy định”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho hay.
Triển khai hiệu quả chương trình phối hợp
Từ năm 2023 đến nay, trung ương đã phân bổ 6,6 tỉ đồng để NHCSXH Phú Yên thực hiện cho vay đối với người CHXAPT. Với nguồn vốn này, NHCSXH Phú Yên đã phối hợp với công an cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn, thực hiện quy trình bình xét cho vay và giải ngân cho 59 người CHXAPT với số tiền hơn 3,8 tỉ đồng.
Để chủ động nguồn vốn cho vay kịp thời, ngoài nguồn vốn trung ương, Công an Phú Yên đề xuất HĐND, UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với người CHXAPT; riêng năm 2024 đề xuất bố trí 2 tỉ đồng.
Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh |
Tại hội nghị ký kết Chương trình phối hợp triển khai, thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ mới đây, các đại biểu đến từ Công an tỉnh và NHCSXH Phú Yên cho rằng chính sách này đã đáp ứng yêu cầu, nhu cầu cấp thiết của người CHXAPT là giải quyết căn bản vấn đề về vốn để tạo công ăn việc làm.
Đây có thể xem là chính sách hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, tạo sự đồng thuận cao và đã đi vào thực tế cuộc sống.
Tuy vậy hiện nay, số người CHXAPT được vay vốn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số người CHXAPT đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. “Dư địa cho vay chương trình này còn rất lớn.
Thời gian tới, NHCSXH Phú Yên và Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa nhằm giúp ngày càng nhiều người CHXAPT tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để học nghề, sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH và phát triển kinh tế của địa phương”, ông Hồ Văn Thục nói.
Theo đại tá Nguyễn Thái Hoàng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chính sách này, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh và công an các địa phương cần nghiên cứu kỹ chương trình phối hợp và quán triệt công an cấp xã triển khai thực hiện.
Công an các địa phương cũng chỉ đạo cơ quan thi hành án, công an cấp xã rà soát, nắm danh sách người CHXAPT, tuyên truyền để người dân biết được chính sách và đăng ký vay vốn khi có nhu cầu. Đồng thời thường xuyên liên hệ để kiểm tra, giám sát, động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thực hiện đúng quy định trong quá trình vay vốn…
LÊ HẢO