Tròn 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên thực hiện nhiệm vụ kép vừa cho vay các chương trình tín dụng hàng năm, vừa triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Để làm tốt nhiệm vụ này, đơn vị đã tập trung tham mưu thực hiện hoàn thành các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trao đổi với Báo Phú Yên về một số kết quả mà NHCSXH Phú Yên đạt được trong năm vừa qua, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc ngân hàng này cho biết:
- Năm 2022, chi nhánh đã giải ngân 1.600 tỉ đồng cho 44.089 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay các chương trình phát triển sản xuất kinh doanh như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1.144 tỉ đồng, với 23.028 khách hàng vay vốn.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hơn 3.845 tỉ đồng, tăng gần 507 tỉ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 15,18%. Tổng dư nợ 3.838 tỉ đồng, tăng gần 507 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng 15,21%, hoàn thành 100% kế hoạch giao, với 88.871 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở một số chương trình phát triển sản xuất kinh doanh với 2.632 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 69%. Dư nợ các chương trình cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo về nhà ở, nhà ở xã hội là 1.206 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 31%.
Điều đáng mừng là song song với việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng của toàn chi nhánh tiếp tục được duy trì ổn định, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Đến cuối năm 2022, nợ quá hạn còn 8,2 tỉ đồng, giảm 291 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỉ lệ 0,21%.
Ông Hồ Văn Thục |
* Năm qua, cùng với cả nước, NHCSXH Phú Yên đã tích cực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
- Năm qua, NHCSXH Phú Yên thực hiện nhiệm vụ kép vừa cho vay các chương trình tín dụng hàng năm, vừa triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, chi nhánh đã giải ngân hơn 291 tỉ đồng các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, với 8.591 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 140 tỉ đồng, với 3.050 lượt người lao động vay vốn. Cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập 48 tỉ đồng, với 4.800 học sinh, sinh viên. Cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 27 tỉ đồng, với 504 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch gần 4,8 tỉ đồng, với 62 cơ sở mầm non. Cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP 71,3 tỉ đồng, với 175 khách hàng.
Ngoài ra, NHCSXH Phú Yên còn cho 22 doanh nghiệp vay 33 tỉ đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 9.578 lượt người lao động. Đồng thời hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ với mức hỗ trợ đến ngày 30/12/2022 gần 14,5 tỉ đồng.
* Vậy tín dụng chính sách tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã phát huy vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; các địa phương có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới của địa phương nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia.
* Thưa ông, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên sẽ làm gì để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội?
- 2023 là năm cuối thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, năm nay, NHCSXH Phú Yên đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng hàng năm và các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP hoàn thành 100% kế hoạch giao; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ NHCSXH cung cấp. Chi nhánh cũng tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, củng cố hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở…
Để đạt được các mục tiêu trên, chi nhánh tiếp tục phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Hàng năm, NHCSXH Phú Yên xây dựng kế hoạch nguồn vốn sát nhu cầu thực tế cho vay kịp thời; tranh thủ nguồn vốn trung ương và địa phương để tăng cường nguồn vốn cho vay, giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Chi nhánh cũng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chia sẻ kịp thời thông tin về hoạt động tín dụng chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý, điều hành hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của các bên liên quan…
* Xin cảm ơn ông!
Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là 3.838 tỉ đồng, tăng gần 507 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng 15,21%, hoàn thành 100% kế hoạch giao, với 88.871 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. |
LÊ HẢO (thực hiện)