Chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Môi trường số trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Các loại dữ liệu, thông tin cá nhân được đưa lên môi trường số. Chính vì vậy, những rủi ro về mất dữ liệu, lộ lọt thông tin hay các mối nguy hiểm trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Để phòng ngừa, bảo vệ dữ liệu, các đơn vị và người dùng cần chủ động, nâng cao ý thức khi tham gia trên không gian mạng.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh trình bày chuyên đề về đảm bảo an toàn an ninh mạng tại một hội nghị. Ảnh: THỦY TIÊN |
Vấn đề cấp bách
Trong thời đại 4.0, không gian mạng trở thành môi trường xã hội mới, nơi mọi người có thể giao lưu học tập, làm việc, thỏa sức sáng tạo, chia sẻ mà không hề bị giới hạn về không gian và thời gian. Cùng với những lợi ích to lớn đã mang lại thì không gian mạng cũng là nơi dễ mất an toàn về dữ liệu, thông tin, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với các đơn vị, người dùng.
Trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh cho biết: Dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng trong thời đại số hiện nay, vì vậy, các loại tội phạm cũng dần chuyển dịch lên không gian mạng, nhắm đến việc tấn công, xâm nhập, chiếm đoạt dữ liệu. Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc tội phạm tấn công chiếm đoạt mã hóa dữ liệu, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng là vô cùng cấp bách, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương và từng cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực này phải thấy được trách nhiệm của mình để nghiêm túc thực hiện, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ trong thao tác do chủ quan có thể để lại những hậu quả rất lớn.
Để tăng cường công tác này, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm cho các đơn vị trong vấn đề đảm bảo an ninh mạng, Tiểu ban An toàn an ninh mạng của tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt; hàng năm còn tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện an toàn an ninh mạng, qua đó kịp thời chấn chỉnh, hỗ trợ cho các đơn vị trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Còn theo ông Đỗ Hữu Tuyến, chuyên viên Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tình hình an ninh mạng của nước ta đang diễn biến rất phức tạp. Tội phạm mạng chủ yếu tấn công vào các hệ thống thông tin trọng yếu của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp bằng mã độc mã hóa dữ liệu. Trong tình hình này, việc rà soát, bóc gỡ mã độc cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động, tăng cường bổ sung kiến thức, kỹ năng rà soát, bóc gỡ mã độc, ứng cứu xử lý sự cố khi phát hiện mã độc, các công cụ phục vụ quá trình phân tích mã độc… Có như vậy, các đơn vị mới chủ động trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, bảo vệ an toàn dữ liệu của cơ quan, đơn vị, tránh trường hợp bị tấn công, đánh cắp.
Nâng cao ý thức
Khi nhiều thứ được số hóa, đưa lên môi trường mạng thì việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ phụ trách CNTT ở các đơn vị, cũng như ý thức tự bảo vệ mình của người dân là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Xác định được việc này, thời gian qua, Sở TT&TT đã chủ động phối hợp với Cục An toàn thông tin, PA05 (Công an tỉnh) và các địa phương, doanh nghiệp công nghệ tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về công tác phòng chống mã độc, các kiến thức đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ, công chức chuyên trách CNTT.
“Sở còn phối hợp với các địa phương tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thông tin, hướng dẫn cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng để các tổ này chuyển tải, hướng dẫn lại người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng tránh được những rủi ro từ môi trường mạng”, ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Quỳnh, chuyên viên Sở TT&TT cho biết: Việc tham gia lớp tập huấn về rà soát mã độc đã giúp tôi hiểu rõ hơn về các loại mã độc phổ biến, cách thức hoạt động, cũng như các phương pháp mà kẻ tấn công sử dụng để lây lan mã độc. Đồng thời, tôi còn được làm quen và thực hành với các công cụ rà soát, phát hiện và bóc gỡ mã độc hiện đại, giúp tăng hiệu quả trong việc xử lý các sự cố an ninh mạng. Qua đó, tôi có thể nắm được quy trình phân tích, cách ly và loại bỏ mã độc khỏi hệ thống mà không ảnh hưởng đến dữ liệu hoặc hoạt động của đơn vị. Lớp tập huấn không chỉ giúp tôi củng cố chuyên môn mà còn mở rộng tầm nhìn về các mối đe dọa trên không gian mạng để chủ động nâng cao khả năng bảo đảm an toàn thông tin cho tổ chức và cộng đồng.
Còn theo ông Ngô Thanh Tùng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), sau khi được tổ công nghệ số cộng đồng chia sẻ về những mối nguy có thể gặp phải khi bị đánh cắp thông tin cá nhân, ông đã cẩn trọng hơn khi tham gia mạng xã hội. Đối với các tài khoản cá nhân, ông dùng mật khẩu mạnh hơn, các tài khoản không cài chung một mật khẩu như trước, đối với tài khoản ngân hàng online thì dùng xác thực hai lớp, không cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho các trang web dịch vụ.
Theo Sở TT&TT, dữ liệu cá nhân bao gồm số điện thoại, địa chỉ, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh riêng tư… là mục tiêu chính của các hacker và kẻ lừa đảo. Chỉ cần một lỗ hổng nhỏ trong bảo mật, thông tin của người dùng có thể bị lạm dụng để trục lợi tài chính hoặc gây tổn hại về mặt tinh thần. |
THỦY TIÊN